Lý do khiến nhiều bộ 'cố thủ' điều kiện kinh doanh

Chính phủ đã đặt mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như một trong những trọng tâm trong cải cách thể chế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định về điều kiện kinh doanh cũng còn nhiều bất cập.

Ông Phan Đức Hiếu.

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết: Trên thế giới, ĐKKD là công cụ quản lý khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công cụ này lại có xu hướng bị lạm dụng và trong một số trường hợp, những tác động bất lợi của chúng gây ra cho xã hội dường như đang lớn hơn mục tiêu mong muốn đạt được.

Theo thống kê, quy định về ĐKKD luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại những chủ trương phát triển kinh tế như: tạo ra rủi ro cho kinh doanh, làm gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Rất nhiều ĐKKD không cụ thể, không rõ ràng như quy định “phải phù hợp”, “phải có đủ”, “hợp lý”… gây ra rủi ro, làm mất các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và kèm theo đó là những hình thức xử phạt. 

Còn các yêu cầu rất ngặt nghèo như phải có năng lực sản xuất tối thiểu, diện tích tối thiểu; yêu cầu phù hợp với quy hoạch; hay yêu cầu sở hữu thiết bị, máy móc sản xuất… khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những DN mới gia nhập thị trường dễ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.

Chẳng hạn, yêu cầu sản xuất mũ bảo hiểm phải có máy dập, máy ép xốp, và một loạt các máy khác, trong khi xu hướng hiện tại là phát triển sáng tạo, đâu phải cứ dùng những loại máy theo đúng quy mô, công suất được giao thì mới có thể sản xuất ra được sản phẩm tốt. Họ có thể dùng các loại máy lắp ráp thủ công, hoặc sử dụng hình thức kinh doanh theo chuỗi, nhập xốp, nhựa, đồ phụ trợ và chỉ thực hiện lắp ráp.

Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã yêu cầu cải cách toàn diện các ĐKKD, Thủ tướng cũng đã nhiều lần khẳng định phải loại bỏ các “giấy phép con” đang cản trở sự phát triển của DN. Có rất nhiều trường hợp cán bộ nhận thức rõ ràng được những ảnh hưởng tiêu cực đến DN, thông qua những phản hồi, kiến nghị của các hiệp hội DN, các chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí là các bộ ban, ngành khác nhưng vì sao nhiều ĐKKD vẫn không thay đổi?

Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, khi đưa ra một ĐKKD, các bộ, ngành có thể có lợi ích ở đó, đây là một lý do.

Tuy nhiên, lý do này chưa hẳn đã mang tính chất quyết định, tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở chính năng lực của các cán bộ xây dựng chính sách khi họ cũng không cập nhật được kiến thức, xu hướng mới, đưa ra những chính sách không phù hợp với thực tiễn.

Một nguyên nhân nữa là do cán bộ công chức đã quen với những ĐKKD cũ, tạo thành một thói quen quản lý bằng “mọi giá”, trên cơ sở đó thiết kế ra những ĐKKD nhưng không tính đến những tác động cho xã hội. Bên cạnh đó, việc lo sợ rủi ro khi thay đổi, công cụ mới có hoạt động tốt hơn cái cũ hay không khiến họ ngần ngại không muốn cải cách.

Tuy nhiên, về phía khách quan mà nói, chúng ta vẫn thiếu một cơ chế kiểm soát-bộ lọc chất lượng của các ĐKKD.

Đồng thời, theo cơ chế của chúng ta trong việc cải cách ĐKKD, gần như ý kiến của các bên chỉ mang tính chất tham khảo, cơ quan soạn thảo có quyền tiếp thu, giải trình hoặc không và gần như không có một cơ quan độc lập nào có thẩm quyền ngăn chặn, hoặc đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý cho việc tiếp tục áp dụng ĐKKD đó.

Bên cạnh đó, rất khó khăn để tiếp cận những tài liệu ngoài dự thảo, liên quan đến quá trình ban soạn thảo đã làm gì, cân nhắc vấn đề ra sao, đánh giá như thế nào, đã tham vấn như những ai, bao nhiêu ý kiến được tiếp thu... Có thể các cơ quan soạn thảo vẫn làm, nhưng quy trình đó hiện nay rất ít minh bạch.

Vậy theo ông, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, cần có giải pháp gì mới?

Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, cần thiết phải xây dựng một tấm lọc cốt yếu chính là cơ quan độc lập, chuyên môn cao và có thẩm quyền quyết định.

Cơ quan này cần phải được giao quyền thực hiện hai nhóm việc lớn. Nhiệm vụ đầu tiên là “làm sạch”, rà soát danh mục các ĐKKD sẵn có. Do thực tế cải cách về giấy phép của nước ta, cũng như ở các nước đã chứng kiến gần như không có bộ, ngành nào tự rà soát mình, tự kiến nghị Chính phủ để bãi bỏ các quy định không cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp, sau khi “làm sạch”, những quy định mới được ban hành nếu không có sự kiểm soát tiếp tục và quay trở lại tình trạng ban đầu. Năm 2003, chúng ta đã bãi bỏ được 160 giấy phép không cần thiết. nhưng không kiểm soát được quá trình sau đó. Dẫn đến tình trạng rất nhiều ĐKKD được bãi bỏ trước đây lại quay trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì vậy, các cơ quan này phải có nhóm nhiệm vụ thứ hai đó là tham mưu, tư vấn, hỗ trợ các bộ, ngành trong các việc nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng chính sách; phổ biến, tuyên truyền nghiên cứu những thực tiễn tốt, các kinh nghiệm, cách thức quản lý tốt hơn, chi phí thấp hơn, và không gây những tác động nghiêm trọng.

Như vậy các cơ quan này vừa có chức năng hành chính, lại vừa có chức năng chuyên môn hỗ trợ nâng cao chuyên môn, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cho tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách công.

Việc xây dựng một cơ quan như vậy ở nước ta hiện nay không có nhiều khó khăn. Đặc biệt về nhân lực, tôi khẳng định chúng ta có rất nhiều chuyên gia có khả năng chuyên môn để làm công việc này. Hơn nữa, bên cạnh chúng ta có cả một cộng đồng xã hội bao gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội DN đủ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn sẵn sàng cho ý kiến đóng góp, xây dựng chính sách.

Việc cải cách được hay không, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm thực hiện. Nếu có quyết tâm và một cách làm khoa học, nhanh nhất trong vòng 1 năm chúng ta có thể cải cách, rà soát được toàn bộ các ĐKKD.

Theo Thu Hương(Cạnh tranh quốc gia)