Vi phạm trong tổ chức hội nghị quốc tế bị phạt tới 40 triệu đồng

 

Ảnh minh họa

Bộ Ngoại giao cho biết, việc xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự nhằm chấn chỉnh và đưa các hoạt động trên đi vào nền nếp, đúng quy định, có biện pháp chế tài để xử lý hành vi vi phạm hành chính, đồng thời phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định này sẽ là công cụ hữu ích cho công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao, đặc biệt đối với cán bộ trực tiếp xử lý các vi phạm tại các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong ngành ngoại giao.

Theo dự thảo các hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm; trục xuất.

Đối với vi phạm quy định trong quá trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 21.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có thành phần tham gia tổ chức, diễn giả không đúng hoặc đại biểu, khách mời không đúng thành phần so với đề án đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tuyên truyền, quảng bá nội dung hội nghị, hội thảo quốc tế không đúng sự thật hoặc không đúng với đề án đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Cũng theo dự thảo, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế mà không xin phép hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế sau khi đã nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền không cho phép tổ chức hoặc đình chỉ việc tổ chức.

Phạt vi phạm trong triển khai hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Đối với vi phạm quy định trong triển khai hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo để xuất phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động không đúng lĩnh vực ghi trong Giấy đăng ký.

Phạt tiền từ 21.000.000 đến 31.000.000 đối với hành vi tiếp tục hoạt động sau khi đã nhận được văn bản đình chỉ hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 32.000.000 đồng đến 42.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung Giấy đăng ký.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức, thực hiện gây quỹ tại Việt Nam từ sự đóng góp của cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam; Triển khai hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Lan Phương(Báo chính phủ)