Nhiều quy định chưa rõ ràng về mua bán qua sở giao dịch hàng hoá

Nhiều quy định trong dự thảo về hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hoá thiếu tính rõ ràng và chưa khuyến khích được DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực này. (Ảnh St)

Làm rõ mối quan hệ giữa SGD hàng hoá và các ngân hàng

Tính đến nay đã hơn 10 năm kể từ khi Nghị định 158 được ban hành, hình thức bán hàng qua Sở giao dịch hàng hoá vẫn chưa trở nên phổ biến và chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là các quy định pháp luật liên quan đến quản lý rủi ro trong giai đoạn thị trường ở quy mô nhỏ quá nhiều. Điều này đã làm nản lòng các nhà đầu tư và chưa khuyến khích được doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Liên quan đến quy định của dự thảo về việc cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá tại nước ngoài nhưng chưa làm rõ mỗi quan hệ với hoạt động phái sinh giá cả hàng hoá của các ngân hàng thương mại, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định giải trình và làm rõ hơn về mối quan hệ giữa sở giao dịch hàng hoá liên thông với các ngân hàng thương mại.

Cho phép mua bán ngay cả khi không có giao dịch gốc

Về điều kiện tham gia mua bán trên sở giao dịch hàng hoá tại nước ngoài, tại điều 5.4 dự thảo quy định 2 điều kiện: Mục đích giao dịch là để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hoá hoặc nhằm mục đích mua bán hàng hoá thực; Và có khả năng tài chính để thanh toán. Nhưng theo thông tư 40, một khách hàng phải đáp ứng 3 yêu cầu mới được tham gia giao dịch đó là: Một là, có giao dịch gốc (hợp đồng xuất nhập khẩu); Hai là, mục đích giao dịch là để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hoá; Ba là, có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại. Theo VCCI, việc dự thảo quy định theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, các điều kiện về mục đích giao dịch trong Thông tư 40 không có ý nghĩa thực tế, vì không ai có thể xác định được mục đích của giao dịch. Điều kiện về mục đích mua bán được khẳng định một cách gián tiếp thông qua điều kiện phải có giao dịch gốc. Như vậy, mấu chốt nằm ở việc khách hàng có giao dịch gốc hay không? Theo đó, VCCI cho rằng việc dự thảo quy định như vậy không rõ là sẽ bỏ yêu cầu phải có giao dịch gốc hay yêu cầu này được ẩn trong mục đích giao dịch?.

Cũng theo VCCI, việc quy định phải có giao dịch gốc đã chặn gần như toàn bộ các nhà đầu tư chỉ muốn mua qua bán lại mà không dựa trên cơ sở hàng hoá thật. Tuy nhiên, việc dự thảo quy định như vậy làm hạn chế cả những thương nhân sử dụng sở giao dịch hàng hoá để tìm kiếm hợp đồng. Điều này làm mất đi một chức năng quan trọng của sở giao dịch hàng hoá. Với mục tiêu của Nghị định này nhằm phát triển một kênh tiêu thụ hàng hoá cho Việt Nam, vì vậy VCCI đề nghị dự thảo sửa đổi theo hướng cho phép mua bán ngay cả khi không có giao dịch gốc đồng thời bỏ điều kiện về mục đích giao dịch.

Đối với điều kiện về năng lực tài chính, VCCI cho rằng đây vốn chỉ là quan hệ dân sự giữa sở giao dịch và khách hàng nên không cần thiết quy định. Nếu khách hàng không đủ năng lực tài chính thì chính các cơ sở giao dịch hàng hoá sẽ chịu trách nhiệm về việc này.

Như vậy, liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ – CP về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 5.4 của Dự thảo và toàn bộ quyết định có hay không cho phép một khách hàng tham gia giao dịch, bởi đây là quyền của sở giao dịch hàng hoá.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)