Petrolimex muốn mua tối đa tỷ lệ sở hữu tại Lọc dầu Dung Quất

Thông tin này được ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ tại lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) diễn ra chiều 10/8.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, theo thoả thuận hợp tác giữa 2 đơn vị, Petrolimex sẽ đầu tư mua cổ phần của BSR sau khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá và hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Không tiết lộ tỷ lệ mua cụ thể do "còn đang nghiên cứu chưa chốt con số cuối cùng", song ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định, "chúng tôi mong muốn mua tối đa tỷ lệ sở hữu để trở thành cổ đông chiến lược của BSR". 

"Petrolimex sẽ dành ưu tiên lớn nhất với doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Dù bao tiêu sản phẩm và muốn trở thành cổ đông chiến lược của BSR, nhưng tập đoàn vẫn theo đuổi dự án lọc dầu tại Vân Phong (Khánh Hoà)", Chủ tịch Petrolimex khẳng định.

petrolimex-muon-mua-toi-da-ty-le-so-huu-tai-loc-dau-dung-quat

Chủ tịch Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo cho biết, tập đoàn này đang lên kế hoạch mua cổ phần tại Lọc hoá dầu Bình Sơn để trở thành cổ đông chiến lược. 

Việc xin ý kiến của cổ đông, ông Bảo tự tin "các cổ đông sẵn sàng đồng ý, bởi đầu tư của tập đoàn nhằm vào các cơ sở sản xuất, đáp ứng nhu cầu kinh doanh". Tập đoàn cũng dự kiến phát hành thêm khoảng 20% để giảm tỷ lệ vốn Nhà nước xuống 51% và có nguồn mua cổ phần của Bình Sơn. "Tất cả các phương án mua cổ phần, đầu tư kinh doanh đã được tập đoàn báo cáo đầy đủ cho cổ đông trước IPO", Chủ tịch Petrolimex nói thêm.

Theo lộ trình, việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành mô hình cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến, đơn vị này sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm 31/12/2015 là gần 73.000 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD), trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần 45.000 tỷ đồng. Do thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (không giới hạn tỷ lệ bán), nên lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.

Ngoài đối tác trong nước là Petrolimex, theo ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR còn một số đại gia ngoại đến từ Mỹ, Dubai... đang "nhòm ngó" mua cổ phần tại đơn vị này. "Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán chứ chưa chốt tỷ lệ mua cuối cùng", ông Nguyên chia sẻ. 

Cũng theo thoả thuận hợp tác giữa Petrolimex và BSR, hai đơn vị cam kết ưu tiên sử dụng, tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu, LPG, các sản phẩm hoá dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cũng như hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nhà máy này sang thị trườmg Lào, Campuchia.

Hiện mỗi năm "ông lớn" xăng dầu nhập mua khoảng 3 triệu m3 xăng dầu từ Bình Sơn, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD và chiếm 40-45% tổng sản lượng xuất bán của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động đến nay BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47,2 triệu tấn sản phẩm các loại (đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước). Hết quý I/2017, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 36 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 7 tỷ USD...

Theo Nguyễn Hoài(VnExpress)