Vụ trạm thu phí Cai Lậy: Chủ thầu 'ăn dày', lái xe buộc lòng đối phó

Câu giờ bằng tiền lẻ

Nhiều ngày nay, tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), hàng chục tài xế ôtô 4 chỗ, ôtô tải đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng vo tròn bỏ trong chai nhựa, bịch nylon để trả phí khi qua trạm này. Một số tài xế còn cho tiền vào dung dịch lỏng để tiền dính vào nhau và trả từng tờ một, vừa làm vừa quay phim để tung lên mạng.

vu tram thu phi cai lay: chu thau 'an day', lai xe buoc long doi pho hinh anh 1

Người dân lên mạng xã hội đổi tiền lẻ cho nhau.

Trên nhiều diễn đàn, giới tài xế đã liên kết với nhau, đi theo hội nhóm để cùng vào trạm phí và cùng "câu giờ", mục đích để phản đối việc đặt trạm BOT trên quốc lộ 1.

Theo người dân phản ánh, tình trạng này đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu tháng, khi tuyến BOT này chính thức thu phí.

Dường như đã chuẩn bị trước cho tình huống này, 6 quầy của trạm thu phí Cai Lậy đã trang bị hệ thống còi và đèn báo, mỗi khi có xe đưa tiền lẻ, đèn sẽ chớp sáng, còi vang lên để các nhân viên khác đến quầy hỗ trợ. Tuy nhiên, có tài xế lại quay phim cảnh mình bị "giật mình" vì tiếng còi và... đề nghị đếm lại. 

"Nhà đầu tư 'ăn dày'!"

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc BOT Tiền Giang - cho biết: Tất cả các trường hợp trả tiền lẻ đều được ghi lại qua camera và báo cáo Công an tỉnh Tiền Giang làm cơ sở xử lý. Việc phải nhường đường cho các xe trả tiền chẵn khác khiến nhiều tài xế trả tiền lẻ bất bình, cho rằng bị đối xử không công bằng. Có tài xế phản ánh thêm rằng trạm BOT Cai Lậy đã mời công an vào phối hợp giải quyết việc này là không đúng chức năng.

Ông Đỗ Cô Ca (ngụ phường 6, TP.Tân An, Long An, người thường xuyên qua lại trạm BOT Cai Lậy) cho biết: “Qua trạm phí Cai Lậy, xe 18 tấn trở lên phải nộp 180.000 đồng, xe con nộp 35.000 đồng cho đoạn đường dài 12km hai làn xe ô tô chạy lẫn xe máy. Trong khi đó, cùng qua Tiền Giang, mặc dù đường cao tốc Trung Lương thu phí, quốc lộ 1 không thu phí nhưng xe vẫn dồn lên cao tốc bởi vì đường Trung Lương dài 62km với 6 làn xe, xe con đi hết tuyến chỉ phải trả 40.000 đồng”. 

Ông Ca tính nhẩm: Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, nếu quy ra một làn dài 372km, thu 40.000 đồng tương đương lái xe phải trả là 107 đồng/km. Còn đường Cai Lậy dài 12km, 2 làn, quy ra một làn dài 24km, thu 35.000 đồng, như vậy mỗi km người dân phải trả 1.458 đồng, cao gấp 14 lần cao tốc Trung Lương.

“Đầu tư kiểu này là ăn trên đầu trên cổ”, ông Ca bức xúc nói. 

Ông Nguyễn Anh Đại (phường 6, TP.Tân An, Long An) chia sẻ: Xe 18 tấn của doanh nghiệp này nhận chở hàng đi từ Cà Mau ra Hà Nội rồi quay về (chiều rỗng), tính ra mỗi tấn hàng cước phí nhà xe thu được là 2,5 triệu đồng. Tính trên đoạn đường BOT Cai Lậy dài 12 km thì nhà xe thu được 135.000 đồng tiền cước vận chuyển (chưa trừ chi phí) nhưng phải nộp tới 360.000 đồng tiền BOT (hai chiều), như vậy là tiền đi đường cao gần gấp 3 doanh thu vận tải.

“Cái này gọi là ăn tới xương tới tủy doanh nghiệp”, ông Đại bức xúc.

Phải được dân đồng tình

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, phía Tổng cục đã nắm được tình hình và đã có văn bản gửi cho chủ đầu tư và UBND tỉnh. 

Ông Huyện khẳng định: “Quan điểm của Tổng cục là việc lái xe bỏ tiền vào chai nhựa là không được, tài xế có thể trả tiền phí bằng tiền lẻ nhưng phải đưa bằng tay để nhân viên thu phí đếm và thu, nếu cố tình cho vào lọ sẽ không cho đi qua nữa mà phải quay lại”.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho hay, đối với những bất cập ở các trạm thu phí, Tổng cục đã làm việc với tất cả các tỉnh và cũng đã làm việc với từng trạm một để đưa ra mức miễn - giảm cho người dân ảnh hưởng ở những vùng xung quanh trong bán kính từ 3 - 5km theo chủ trương chung và xét từng trường hợp cụ thể chứ không phải ai cũng được.

Về việc các tài xế đưa ra lý do đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm nay lại phải nộp phí BOT là vô lý, ông Huyện cho rằng việc đóng phí bảo trì đường bộ và việc thu phí BOT là khác nhau, phí bảo trì là chung, không chỉ đối với phương tiện đi qua dự án thu phí BOT nói trên mà còn lưu thông chung trên 20.000km quốc lộ khác được vốn ngân sách bỏ ra, còn việc trả phí BOT là dành cho các phương tiện đi qua dự án được đầu tư của tuyến đường đó.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc phải trả phí đường bộ theo đầu phương tiện đã có quy định của pháp luật, khi được đi trên con đường tốt hơn thì phải trả phí là việc bình thường. Vấn đề ở chỗ giá cả có phải chăng hay không. 

“Đừng đổ tại Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép. Có sản phẩm bán cho người dân thì người dân phải đồng tình mới được. Thêm nữa, trên con đường đó họ không có sự lựa chọn, khi họ vòng tránh vào đường làng, đường xã thì “lợi bất cập hại”, ông Thanh nói.

"Tiền phí mắc hơn tiền xe!"

Trên nhiều diễn đàn, giới tài xế đã thu gom tiền lẻ đổi cho nhau không tính phí nhằm "chống" trạm phí.

Anh Huỳnh Lê Đăng Khoa (tài xế, ngụ phường 3, TP.Tân An, Long An) chuẩn bị cả xấp tiền lẻ và nói: "Tôi chạy xe thuê, mỗi cuốc từ Tân An đi Cái Bè tiền công lái chỉ hơn 100 ngàn đồng. Nay trạm này không liên can gì đến con đường tôi đi, ngồi không mà thu 70 ngàn đồng thì còn hơn cắt cổ".

Anh Lê Lâm Trường (chủ xe chạy dịch vụ ở phường 3, TP.Tân An) cũng bức xúc không kém: "Mỗi ngày xe 4 chỗ của tôi qua đó 2 chuyến, bỗng dưng mất 140 ngàn đồng. Mỗi tháng tốn thêm 4,2 triệu đồng, mỗi năm tốn thêm hơn 50 triệu đồng còn hơn tiền cơm của cả nhà tôi. Nếu trạm này thu 7 năm 5 tháng, coi như tôi phải cống nạp gần 400 triệu đồng. Số tiền này còn hơn giá trị chiếc xe 4 chỗ mà tôi đang đi".

Theo Dân Việt