Từng bước xã hội hóa bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa

 

Ảnh minh họa

Đây là mục tiêu được đưa ra tại dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Tài chính cho biết, tài sản kết cấu hạ tầng cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện, tàu thuyền neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Giao thông đường thủy nội địa đã được quy định 45 tuyến vận tải chính (miền Bắc 17 tuyến, miền Trung 10 tuyến, miền Nam 18 tuyến). Trên các tuyến đường thủy nội địa đã được tổ chức quản lý có 255 cảng thủy nội địa, trong đó (tuyến đường thủy nội địa quốc gia: 215 cảng; tuyến đường thủy nội địa địa phương: 40 cảng), bao gồm: Cảng hành khách: 11; Cảng hàng hóa: 244. Tài sản kết cấu hạ tầng là bến thủy nội địa có 8.506 bến, trong đó (tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 4.458 bến; tuyến đường thủy nội địa địa phương là 4.048 bến).

Dự thảo Nghị định quy định tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được phân loại cụ thể như sau: 1. Đường thủy nội địa bao gồm luồng chạy tàu thuyền, âu tàu dùng dâng nước, hạ nước để đưa phương tiện qua nơi có mực nước chênh lệch trên đường thủy nội địa; 2. Kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa; 3. Tài sản khác: Nhà trạm quản lý đường thủy nội địa, các công trình kiến trúc khác; các công trình xây dựng và hệ thống thiết bị phục vụ cho công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; 4. Cảng thủy nội địa là hệ thống công trình được xây dựng để phương tiện, tàu thủy nội địa neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác; 5. Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất, vùng nước trước bến để phương tiện neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng.

Theo dự thảo, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được thực hiện theo các phương thức: Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phải được bảo trì theo tiêu chuẩn, định mức và quy trình kỹ thuật bảo trì nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Khánh Linh(Báo chính phủ)