Việt Nam làm gì để thoát "bẫy" giá trị gia tăng thấp

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI thành phố Hồ Chí Minh, cho biết,

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị với DN FDI còn rất thấp.

Đây là một trong những khuyến nghị mà Ngân hàng Thế giới đưa ra trong hai báo cáo: “Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới" và "Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa DNNVV với DN đầu tư nước ngoài”. Nghiên cứu được thực hiện bởi Vụ Đông Á Thái Bình Dương, Khối thương mại và cạnh tranh thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới.

Báo cáo nhận định, Việt Nam đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp và kết nối với trong nước còn yếu. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc mức cao nhất và đang trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất về thương mại với thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công lắp ráp, đem lại giá trị gia tăng thấp, đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân trong nước còn yếu; chi phí thương mại từ logistics, quản lý hải quan biên giới và cơ sở hạ tầng dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Sự tham gia của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị với DN FDI còn rất thấp

 Ông Charles Kunaka - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới, cho rằng: "Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Hoặc có thể tiếp tục phát triển để làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu vào chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp. Hoặc có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới bằng cách tận dụng nguồn lực dồi dào của cứ điểm cung ứng toàn cầu".

 Theo phân tích của ông Charles Kunaka, dư địa dành cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị thu hẹp đáng kể bởi các doanh nghiệp lớn (Samsung, Ford, Toyota) trong chuỗi giá trị toàn cầu thường sử dụng cùng mạng lưới "nhà cung ứng toàn cầu" ở mọi nơi. Các công đoạn giá trị cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi nằm ngoài Việt Nam.  

 Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, "Qua khảo sát của VCCI, sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI còn rất thấp".

 Bình luận về báo cáo, ông Nguyễn Thắng - Giám đốc trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, "Báo cáo ra đời rất đúng thời điểm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi bức tranh sản xuất hiện nay, với quá trình số hóa- tự động hóa, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng không đặt nhà máy lắp ráp ở đâu mà có lao động rẻ nhất mà hướng tới đặt nhà máy lắp ráp gần với thị trường tiêu thụ nhất, các nhà máy lắp ráp có xu hướng "hồi hương" các nước phát triển. Lợi thế lao động giá rẻ ngày càng suy giảm".

 Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép từ 2 phía: các thị trường cung ứng giá rẻ như Campuchia, Bangladesh, Indonesia,... và thứ hai là người máy, tự động hóa. Do đó, để bước lên nấc thang cao hơn Việt Nam phải có cải cách toàn diện dựa trên 3 trụ cột: đẩy mạnh kết nối, cải cách môi trường kinh doanh và đẩy mạnh công nghệ đổi mới sáng tạo.

 Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình. Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước. Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Chính sách "cần phải đập đi làm lại"

 Nhưng, để đạt mục tiêu đó, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện. Cụ thể, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông. Phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu. Thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.

 Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”. Các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp FDI và vươn ra thị trường thế giới.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: chính sách cần phải "đập đi làm lại".

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng với những đánh giá như báo cáo chỉ ra thì hệ thống đòn bẩy chính sách của Việt Nam hiện có 2 yếu điểm là quá chung chung, không có mục tiêu cụ thể; khi nói đến chuỗi thì cơ quan nhà nước hoạch định chính sách thì lại tư duy theo hướng phân mảnh và chồng lấn, thiếu tính kết nối. "Trong thời gian tới, chính sách cần phải "đập đi làm lại", tất cả những biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay phải thay đổi cách tư duy và hỗ trợ rất cụ thể", ông Hiếu khẳng định.
Theo Hà An(Báo DĐ DN)