Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa VCCI và ADB

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ông Etric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triẻn châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những hợp tác, hỗ trợ của ADB với VN nói chung và VCCI nói riêng.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI cũng thông báo và gửi lời mời tới ông Etric Sidgwick những sự kiện trong khuôn khổ APEC Việt Nam 2017 mà VCCI được Chính phủ giao chủ trì tổ chức như: Kỳ họp lần IV Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC4) từ ngày 4 - 7/11 tại Đà Nẵng; Diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư với Việt Nam vào ngày 8/11 tại Đà Nẵng, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017) từ ngày 8 - 10/11 tại Đà Nẵng và Đối thoại giữa các thành viên ABAC và lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 10/11 tại Đà Nẵng.

TS. Vũ Tiến Lộc mong muốn nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ ADB để VCCI có thể thực hiện thành công tốt đẹp vai trò chủ trì chuỗi sự kiện nêu trên.

“Với sự hỗ trợ phối hợp của ADB thì việc tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ APEC Việt Nam 2017 do VCCI thực hiện sẽ thành công tốt đẹp”. Chủ tịch VCCI nói.

Ông Etric Sidgwick bày tỏ niềm vui mừng vì sự quan tâm của VCCI đối với ADB. Đồng thời cho biết sẽ ủng hộ và hỗ trợ VCCI với tất cả những kinh nghiệm và khả năng của ADB.

 Bên cạnh việc hỗ trợ VCCI, ADB cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ trong chương trình cam kết quốc gia nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, ADB đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi khôi phục các hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993. Tính tới ngày 31/12/2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay, 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Nhằm giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề vừa nêu, ADB dự kiến cho Việt Nam vay trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 1 tỷ USD/năm, đồng thời cũng hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5-7 triệu USD/năm.

Khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ tập trung vào 3 trụ cột thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn, cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)