Thiếu cơ sở pháp lý để đặt ra thủ tục hành chính mới trong khai thác khoáng sản

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet).

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet).

Theo VCCI, về cơ bản, nội dung của dự thảo Thông tư này tương tự với nội dung của Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT đang được áp dụng. Liên quan đến quyết định này, VCCI chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ phía doanh nghiệp về sự bất cập của Quyết định 06.

Hiện nay, Mục 2.7.2 của Quy chuẩn trong dự thảo đưa ra thêm một nghĩa vụ mới đối với các doanh nghiệp khai thác khoảng sản. Cụ thể, trong quá trình khai thác, nếu có sự thay đổi trữ lượng vượt quá 30% hoặc phát hiện khoáng sản mới thì doanh nghiệp phải đăng kí với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn lập báo cáo và phê duyệt trữ lượng.

Theo VCCI, quy định này đã đặt ra thủ tục hành chính mới đối với doanh nghiệp đó là thủ tục đăng ký và thủ tục phê duyệt lại trữ lượng.

Cũng theo VCCI, nếu dự thảo quy định như vậy sẽ phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất, về căn cứ pháp lý. Theo Điều 14.4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản cấp Thông tư không được phép quy định thủ tục hành chính mới trừ khi được giao trong luật. Thứ hai, về tính minh bạch, hiện nay, dự thảo chỉ nêu yêu cầu cần phải đăng ký để được hướng dẫn phê duyệt trữ lượng mà không kèm theo quy định nào khác. Trong khi đó, theo Nghị định 63/2010/NĐ – CP về kiểm soát thủ tục hành chính yêu cầu, một thủ tục hành chính phải được quy đinh rõ và đầy đủ các nội dung liên quan đến 8 nội dung. Một là, trình tự thực hiện; Hai là, cách thức thực hiện; Ba là, hồ sơ; Bốn là, thời hạn giải quyết, Năm là, đối tượng thực hiện; Sáu là, cơ quan thực hiện; Bảy là, kết quả thực hiện; Tám là, mẫu giấy tờ, phí lệ phí. 

Dựa trên các cơ sở đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại cơ sở pháp lý của việc ban hành quy định về việc đặt ra thủ tục hành chính mới. Theo VCCI, Trong trường hợp không có cơ sở pháp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn và trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng, trường hợp giải trình được đẩy đủ cơ sở pháp lý để quy định thủ tục này thì cơ quan soạn thoả cũng cần bổ sung đẩy đủ các nội dung yêu cầu đối với một thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động quản lý Nhà nước.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)