Việt Nam là quốc gia lý tưởng để phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh thành công

Đại biểu chủ trì

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc; bà Lakshmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng Thư ký LHQ, đồng chủ trì đối thoại.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong 21 nền kinh tế thành viên APEC, có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, hơn 60% trong số họ làm việc trong khu vực chính thức. Tuy nhiên, nếu sự tham gia của phụ nữ trong lao động được mở rộng hơn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thêm 89 tỷ USD mỗi năm.

Vì vậy, Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017 với chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân” với mong muốn thúc đẩy mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Rào cản mang tính đặc thù giới tính

Tính đến năm 2016, Việt Nam có trên 500 nghìn doanh nghiệp (DN), trong đó có khoảng 100 nghìn DN do nữ làm chủ, và đặt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát Chỉ số phát triển nữ doanh nhân do Mastercard công bố tháng 3/2017, Việt Nam có tỷ lệ DN do doanh nhân nữ lãnh đạo là 31,45%. Còn theo báo cáo của Alibaba, doanh nhân nữ Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động APEC, các nhà Lãnh đạo APEC cũng không ngừng ghi nhận sự đóng góp của doanh nhân nữ trong việc phát triển các hoạt động kinh tế của khu vực. Vì vậy, các nền kinh tế APEC nhất trí đưa vấn đề nâng cao quyền năng của phụ nữ vào chương trình nghị sự của APEC; đồng thời không ngừng nỗ lực để đưa các chương trình nghị sự vào thực tiễn. Và Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017: Phụ nữ là doanh nhân là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hiện thực hoá mục tiêu này. Đồng thời, Diễn đàn cũng là minh chứng cho sự hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo APEC năm 2016 về sự hoà nhập kinh tế, tài chính và xã hội hiệu quả của doanh nhân nữ.

Tuy nhiên, phải thẳng thắng thừa nhận rằng, tiềm năng của doanh nhân nữ Việt Nam và Doanh nhân nữ trong khối APEC vẫn tồn tại những rào cản mang đặc thù giới tính, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Nhìn chung, những khó mà doanh nhân nữ Việt Nam gặp phải cũng là những khó khăn chung của doanh nhân nữ trong khối APEC. Họ cũng gặp phải khó khăn trong tiếp cận vốn, khả năng quản trị và dung hoà giữa công việc và gia đình.

Theo kết quả nghiên cứu của Facebook vừa được công bố mới đây, tại Việt Nam có một số yếu tố chính cản trở phụ nữ khởi nghiệp, đó là lo lắng về an toàn tài chính chiếm tỷ lệ 35%; thiếu định hướng chiếm 35%; thiếu tiếp cận tài chính chiếm 34%; và chưa cảm thấy sẵn sàng khi khởi nghiệp là 32%.

Theo đó, nếu Việt Nam không tháo gỡ được những rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp, thì sẽ bỏ lỡ một cơ hội tiềm năng về phát triển kinh tế. Cụ thể, 4 trong số 5 phụ nữ Việt Nam muốn thành lập DN của riêng mình. Do đó, nếu chỉ một nửa trong số họ tìm được cơ hội để bắt đầu kinh doanh từ hôm nay, hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra 1,1 triệu DN mới và 3,9 triệu việc làm vào năm 2021.

Thúc đẩy bình đẳng giới 

Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017 sẽ tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế tổng thể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; đồng thời cũng thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Thông qua các phiên thảo luận, Diễn đàn đã tiếp thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều cơ hội thuận lợi để doanh nhân nữ Việt Nam và doanh nhân nữ APEC tạo mạng lưới kết nối hỗ trợ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đảm bảo rằng không có doanh nhân nữ nào bị bỏ lại phía sau và đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế APEC.

Ngoài ra, đây cũng là nội dung chính của APEC Việt Nam 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Với những nỗ lực của doanh nhân nữ, cùng sự hợp tác hơn nữa giữa các nền kinh tế và sự tư vấn từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia lý tưởng cho phụ nữ khởi nghiệp và điều hành DN một cách thành công.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)