Chủ tịch VCCI: Doanh nhân cần cả "hoa hồng" và "bánh mì"

Tối nay, ngày 13/10, chương trình kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam đã được VCCI tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Toàn cảnh chương trình

Toàn cảnh chương trình "Doanh nhân Việt Nam: Tổ quốc gọi tên mình".

Tham gia chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Viết Thanh Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Vũ Thị Mai- Thứ trưởng Bộ Tài Chính, ông Trần Văn Thuật-Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Linh Ngọc- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và hàng trăm doanh nhân trên cả nước.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 13/10/1945 khi nghe tin giới doanh nhân thành lập Công Thương Cứu quốc Đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, và bức thư đó đã trở thành Bản Tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ Nhân dân.

70 năm sau bức thư của Bác, vào tháng 4/2016, tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã chính thức nêu thông điệp: “Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển”, và Chính phủ giữ vai trò “kiến tạo và phục vụ”.

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thực hiện chủ trương này, doanh nhân đã làm được nhiều việc có ý nghĩa và làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2 trong nền kinh tế đang được khởi động. Mục tiêu xây dựng Quốc gia Khởi nghiệp và đất nước phải có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 đã được đặt ra. Cải cách thể chế được đẩy mạnh và Chính phủ nêu quyết tâm phải đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN.

“Doanh nghiệp chưa bao giờ được đề cao như vậy, Chính phủ chưa bao giờ quyết tâm như vậy, các thông điệp về cải cách nóng bỏng”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Chủ tịch VCCI cho biết thêm, Chính phủ xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mục tiêu cắt giảm 30%-50% số giấy phép con để "cởi trói" cho doanh nghiệp được đề ra. Hai tuyến cải cách: giảm rào cản và giảm chí phí đang được thúc đẩy…

“Niềm tin của doanh nghiệp trở lại. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng lên mức kỷ lục, trên 100 ngàn doanh nghiệp mỗi năm. Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đó là những thành tích ấn tượng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn chỉ rõ: "Chúng ta có trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, chi phí kinh doanh còn rất cao. Và dù có cải thiện về thứ bậc trong các bảng xếp hạng của Thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa rút ngắn được nhiều khoảng cách so với các nước trong khu vực".

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, công cuộc cải cách thể chế và phát triển doanh nghiệp cần có thêm những động lực mới.

“Chúng ta đặc biệt vui mừng, ngay trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân với những giải pháp đột phá và đây có thể coi là món quà đầy ý nghĩa của Chính phủ và Thủ tướng dành tặng cho cộng đồng doanh nghiệp Ngày Doanh nhân”, Chủ tịch VCCI nói.

Cùng với đó, năm nay, với tư cách nền kinh tế chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết Chính phủ cũng đang đưa ra những sáng kiến thúc đẩy hội nhập sâu rộng.

“Chúng ta hy vọng, cải cách thể chế trong nước song hành cùng những nỗ lực hội nhập sẽ tạo ra những động lực mới cho sự phát triển ở nước ta”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Theo TS Vũ Tiến Lộc Quà tặng của doanh nhân chính là một Chính phủ Hành động.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, "quà tặng" của doanh nhân chính là một Chính phủ Hành động.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, Chủ tịch VCCI nhận định, doanh nghiệp, doanh nhân là động lực chính cho tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề xã hội.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ thần tốc, đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ đặt hàng triệu người lao động trong các ngành dệt may, da giày, điện tử và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác trước nguy cơ mất việc làm.

“Tạo việc làm mới đàng hoàng cho hàng chục triệu người lao động sẽ là vấn đề chính trị-xã hội quan trọng hàng đầu ở đất nước này trong những năm tới, và đây chính là sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đặc biệt, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân đã được ghi nhận và tôn vinh. “Nhưng doanh nhân không chỉ cần “hoa hồng” mà còn cần cả “bánh mỳ”. “Bánh mỳ” của doanh nhân chính là một môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi, là xóa rào cản, là giảm chi phí như Thủ tướng và Chính phủ đang thôi thúc. "Quà tặng" của doanh nhân chính là một Chính phủ Hành động", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bởi theo Chủ tịch VCCI, có cả “hoa hồng” và “bánh mỳ”, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân sẽ góp phần phát triển nền kinh tế đất nước, không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Theo Thy Hằng-Ngọc Hà- Nguyễn Long(Báo DĐ DN)