Doanh nghiệp cơ khí Việt cần hợp sức để vào chuỗi giá trị toàn cầu

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam lần thứ 26 – VIIF 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, chiều 19/10, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức Hội thảo Công nghiệp Cơ khí Việt Nam - Đổi mới và phát triển.

Theo Hiệp hội doạnh nghiệp Cơ khí Việt Nam, thời gian qua, VAMI đã hoạt động rất tích cực trong việc kết nối doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước, thành lập được tổ hợp các nhà thầu IMEC-VAMI là một mô hình tổ chức hợp tác chặt chẽ, hiệu quả.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí cho rằng, việc tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu có ý nghĩa cấp thiết, sống còn theo hướng bổ trợ lẫn nhau, nhằm tạo sức mạnh tập thể, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với xu hướng hội nhập trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

cong nghiep co khi khong lien ket hop tac kho phat trien hinh 1
Hội thảo Công nghiệp Cơ khí Việt Nam - Đổi mới và phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đầu tư hơn cho lực lượng cơ khí của mình; trong đó, đẩy mạnh hợp tác đào tạo lực lượng nghiên cứu thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

“Với xu hướng hội nhập như hiện nay, việc “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm cơ khí là rất khó khăn, chưa nói đến khả năng cạnh tranh. Do đó, rất cần thiết có sự liên kết, hợp tác sản xuất giữa các đơn vị trong ngành, bao gồm tổ hợp các doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, chế tạo và xây lắp để có thể hình thành các liên danh nhà thầu mạnh, tham gia tổng thầu EPC các dự án”, ông Thụ nêu quan điểm.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Huy Sơn, Khoa Động lực - Học viện Kỹ thuật quân sự cho rằng, việc hợp tác giữa các đơn vị sản xuất và nghiên cứu sẽ giúp tối ưu hóa quản lý công nghệ và tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng.

Các nội dung có thể hợp tác có thể được cụ thể hóa như việc kết nối thị trường, tư vấn thiết kế công nghệ, chế tạo thử các sản phẩm công nghệ cao và thử nghiệm sản phẩm, đào tạo nhân lực và dịch vụ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp…

Theo ông Sơn, qua nghiên cứu cho thấy, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm bình quân khoảng 0,3% doanh thu, quá ít so với các doanh nghiệp nước ngoài (Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản là 50%).

“Học viện Kỹ thuật quân sự là đơn vị có thế mạnh, được đầu tư đồng bộ và hiện đại từ Nhà nước và quân đội về trang thiết bị, phần mềm và nhân lực. Nếu có sự hợp tác tốt, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cho doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Sơn mong muốn./.

 Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN