TS Nguyễn Đình Cung: Thúc giải ngân đầu tư, không khéo lại thất thoát

Đây cũng là vấn đề đang làm nóng nghị trường kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa 14 ở phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách. Các cử tri cho rằng các nhóm giải pháp ngắn hạn điều hành nền kinh tế đều đã phát huy tác dụng, chỉ còn giải ngân vốn đầu tư công là chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Lũy kế 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 53,1% so kế hoạch Quốc hội thông qua, bằng 53,8% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tương tự, việc giải ngân dự án có vốn ODA cũng thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay, mà còn gây lãng phí nguồn lực khi có tiền mà không tiêu được, tiền đã vay và vẫn phải trả lãi, nhưng lại không đưa được vào nền kinh tế để đầu tư phát triển.

 

cham giai ngan von dau tu cong anh huong toi tang truong kinh te hinh 1
Theo nhiều cử tri, chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ khiến ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế.

Chậm tiến độ cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án đầu tư phải điều chỉnh vốn, gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Ông Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Nợ nước ngoài, Học viện Tài chính, cho biết: "Thời gian sẽ làm thay đổi giá cả nguyên vật liệu, lao động cũng như các yếu tố khác, thêm nữa khi kéo dài thời gian thì dự án sẽ bị chậm đưa vào sử dụng và gây kém hiệu quả. Thậm chí làm thay đổi hoàn toàn hiệu quả của dự án. Bởi vì, chúng ta chỉ cần đưa vào sử dụng 2 năm trước thì hiệu quả, lợi nhuận cũng khác nhưng sau 2 năm khi đưa dự án đó vào kinh doanh và sản xuất thì rõ ràng hiệu quả thấp hơn nhiều, thậm chí không có hiệu quả".

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện còn 62,2%. Dù tỷ lệ này vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Hệ quả là đầu tư công của Việt Nam đã không đạt được hiệu quả như mong muốn, trong đó thất thoát, lãng phí rất lớn.

Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng mức thất thoát của đầu tư công lên tới 40-50%. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, lực cản trong giai đoạn sắp tới vẫn nằm ở việc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Khi nút thắt này được tháo gỡ thì sẽ tạo ra cơ hội để các địa phương bứt phá, đóng góp chung vào tăng trưởng GDP cả nước.

"Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là một điều rất nguy hiểm. Chính phủ vay lãi suất cao mà giờ không giải ngân được tức là trả lãi suất còn tiền không vận dụng được. Chính phủ đầu tư vào kết cấu hạ tầng 1% GDP thì kinh nghiệm thế giới là GDP sẽ tăng trưởng 1,5%, tức là kinh tế tư nhân sẽ tăng trưởng. Vì vậy, muốn đạt được điều đó thì phải cải cách, giảm các chi phí về thời gian và tiền bạc, giảm các yêu cầu nhũng nhiễu… cái đó là điều quan trọng đối với yêu cầu phát triển sắp tới" - ông Lê Đăng Doanh cảnh báo và khuyến nghị.

Việt Nam đang dùng nhiều biện pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm nay, trong đó có biện pháp tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% cũng như đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, khi đốc thúc giải ngân vốn đầu tư thì có thể dẫn đến việc bỏ qua mắt xích nào đó trong quy trình, thủ tục hoặc kể cả vấn đề về giám sát, dễ dãi trong một số công đoạn nào đó, hoặc phớt lờ đi và đơn giản hóa một số quy trình, thủ tục để có thể nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư. Nếu làm như vậy thì có thể sẽ trao cơ hội cho một số dự án không hiệu quả, những dự án sân sau, những dự án có thể gây thất thoát hay lãng phí.

Theo ông Nguyễn Đình Cung: "Chúng ta giải ngân vốn đầu tư như một biện pháp tăng cầu. Tôi nghĩ rằng biện pháp quan trọng hơn trong giải ngân vốn đầu tư là phải tăng chất lượng nguồn cung. Cho nên cần nhấn mạnh nhiều hơn đến hiệu quả đầu tư công hơn là gia tăng số lượng đầu tư.

Không nên quá vội vàng trong việc phải giải ngân và tạo áp lực giải ngân dẫn tới giải ngân mà không chú ý tới hiệu quả mà nên chú ý tới hiệu quả rồi mới giải ngân. Giải ngân chậm cũng được. Nếu chưa tìm được giải pháp và phân bố vào những dự án đạt hiệu quả cao nhất có thể được trong nền kinh tế".

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% do Quốc hội đề ra, nhiều cử tri cho rằng cần có những giải pháp quyết liệt để gỡ nút thắt chậm giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm phát huy giá trị của dự án đối với phát triển kinh tế xã hội./.

 Theo Cẩm Tú/VOV