Chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất


Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Tại Điều 11, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao. Ngoài ra, Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về bảo vệ nước dưới đất và không giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về vấn đề này. Do đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, giải trình rõ về cơ sở pháp lý của Dự thảo Thông tư nói trên.

Quy định “lệch” với Luật

Theo VCCI, có nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Thông tư này ban hành thay thế cho Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Tuy nhiên, Quyết định này được ban hành từ năm 2008, trước khi có Luật Tài nguyên nước 2012. Nội dung của Quyết định này không phù hợp, thậm chí trái với Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Do đó, VCCI đề nghị bãi bỏ Quyết định 15.

Ngoài ra, VCCI cho rằng, trong trường hợp cơ quan soạn thảo thấy rằng một số nội dung của Quyết định 15 vẫn còn giá trị thực tiễn thì nên tiến hành đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Tài nguyên nước hoặc Nghị định 201 cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bất nhất trong nội dung quy định

Liên quan đến nội dung quy định về vùng cấm khai thác và vùng hạn chế khai thác, VCCI nhận định, đang tồn tại sự bất nhất giữa tiêu đề chương và nội dung quy định.

Cụ thể, tiêu đề của chương II, tiêu đề của Điều 5, và Khoản 5.1 của Dự thảo đều dừng lại ở việc xác định vùng cấm xây dựng mới, cấm tăng lưu lượng công trình, tức là chỉ áp dụng đối với việc xây dựng các công trình mới hoặc tăng lưu lượng của các công trình hiện có. Tuy nhiên, Điều 5.2 lại quy định về việc yêu cầu các công trình hiện có phải giảm lưu lượng khai thác, giảm số lượng giếng hoặc cấm khai thác.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định rõ về khai thác nước dưới đất chia thành 3 trường hợp. Một là, phải xin phép; Hai là, phải đăng ký; Ba là, không phải xin phép hay đăng ký. Tuy nhiên, theo VCCI, dựa trên ngôn từ Dự thảo Thông tư sẽ rất khó xác định phạm vi tác động của quy định này chỉ dừng lại ở các hoạt động phải xin phép hoặc bao gồm cả những hoạt động không phải xin phép. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo quy định rõ về điều này.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ – CP, trước khi cấp phép khai thác nước dưới đất, cơ quan nhà nước đã phải tiến hành thẩm định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước. Nếu nguồn nước dưới đất đảm bảo khả năng khai thác bền vững thì mới cấp phép. Như vậy, theo VCCI, nếu người khai thác có giấy phép không có hành vi vi phạm pháp luật thì việc yêu cầu điều chỉnh giảm hoặc cấm khai thác cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tốt.

Tài nguyên nước là một dạng tài sản, việc Nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu các khoản tài chính được coi như đã trao quyền tài sản cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, VCCI đề nghị giảm, dừng khai thác nước đã không đảm bảo quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. 

Theo Ngọc Hà(Báo DD DN)