Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi một số luật

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật quy hoạch để thông qua tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Dự án Luật quy hoạch điều chỉnh chung các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước gồm: Việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo đó, quy hoạch ngành được quy định tại các luật chuyên ngành sẽ phải sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ với quy định của dự án Luật quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 6 dự án luật phải sửa đổi, trong đó có: Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước.

Trên cơ sở đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật khí tượng thủy văn, Luật đa dạng sinh học liên quan đến nội dung quy hoạch là cần thiết. Việc này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch nói chung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động lập, công bố quy hoạch về khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học; khắc phục những hạn chế trong công tác lập quy hoạch trong thời gian qua.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với Luật Khoáng sản, đến thời điểm hiện tại, tình hình thị trường nguyên liệu khoáng có nhiều thay đổi; mặt khác hầu hết các quy hoạch có định hướng, xét triển vọng/tầm nhìn đến năm 2020 trong khi mốc thời gian này (năm 2020) đã là cận kề… Luật quy hoạch dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2017, nhằm khắc phục thực trạng trên Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi Điều 10 của Luật khoảng sản với kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm bảo đảm đồng bộ với các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội. Các nội dung liên quan đến quy hoạch như lập, công bố, lấy ý kiến, điều chỉnh quy hoạch cũng như các quy định dẫn chiếu trong Luật khoáng sản về quy hoạch cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất, đồng bộ.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể các cơ quan phải lấy ý kiến về quy hoạch khoáng sản để địa phương thuận lợi, minh bạch về thủ tục hành chính trong triển khai tại địa phương. Việc phê duyệt quy hoạch cần phải rà soát, cập nhật thông tin thị trường để xác định nhu cầu công suất, tiến độ và thời gian quy hoạch; tiêu chí chế biến sâu. Phân định trách nhiệm về quy hoạch đối với một số khoáng sản sử dụng trên nhiều lĩnh vực (đá hoa trắng làm ốp lát và làm bột; đá vôi sản xuất xi măng và làm vôi công nghiệp…)

Với Luật Đa dạng sinh học, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để hoàn thiện quy định về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong Luật Đa dạng sinh học với bối cảnh hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau: Điều chỉnh quy định về quy hoạch trong dự thảo Luật quy hoạch: Đưa nội dung của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch tổng thể quốc gia (Điểm m Khoản 2, Điều 23 dự thảo Luật Quy hoạch - Định hướng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu), bao gồm xác định các khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Đưa quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là một quy hoạch ngành quốc gia: Bổ sung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học vào Phụ lục 1 (Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia) của dự thảo Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, sửa các quy định về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong Luật đa dạng sinh học cho phù hợp với dự thảo Luật quy hoạch. Sửa chi tiết các điều 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15 trong Luật Đa dạng sinh học theo hướng như sau: Quy định những nội dung cụ thể về hợp phần quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, tỉnh. Quy định nội dung cụ thể về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia vào danh mục quy hoạch ngành quốc gia (phần III. Bảo vệ môi trường). Điều chỉnh bỏ các quy định về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của ngành, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ cũng đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, trong đó quy định thống nhất, đồng bộ với Luật quy hoạch.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo chính phủ)