Nguyên tắc và giới hạn trong việc làm rõ hồ sơ dự thầu

Theo phản ánh của bà Hồ Thị Vỹ Hà, hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đang thực hiện xét gói thầu thi công, hình thức đấu thầu rộng rãi, với 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Khi đơn vị xét đến gói thầu của nhà thầu liên danh A, hồ sơ dự thầu thiếu các loại sau đây: Báo cáo tài chính từ năm 2014-2016 để chứng minh tình hình tài chính lành mạnh của công ty trong tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm. Việc làm rõ bổ sung về phần năng lực tài chính theo quy định có thể làm thay đổi kết quả chấm điểm phần năng lực tài chính của hồ sơ dự thầu.

Về phần đánh giá năng lực kỹ thuật, thiếu các chứng chỉ, chứng nhận để chứng minh nhân sự chủ chốt, thiếu giấy tờ chứng minh khả năng huy động thiết bị thi công chủ yếu để thực hiện gói thầu theo hồ sơ mời thầu. Việc làm rõ bổ sung về phần kỹ thuật theo quy định có thể làm thay đổi kết quả chấm điểm phần năng lực kỹ thuật của hồ sơ dự thầu.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Hà hỏi, nhà thầu có được bổ sung làm rõ hay không nếu làm thay đổi kết quả chấm thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu so với nhà thầu khác? Trường hợp cho bổ sung làm rõ thì việc thực hiện công tác chấm điểm của các tài liệu làm rõ và bổ sung của nhà thầu sẽ thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Theo Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm.

Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

Theo đó, trường hợp nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm (như hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính, chứng chỉ của nhân sự chủ chốt, tài liệu chứng minh khả năng huy động thiết bị) thì bên mời thầu có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ. 

Trường hợp sau khi đóng thầu, nêu nhà thầu phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. 

Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của hồ sơ dự thầu (Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

Theo Chinhphu.vn