Lương cơ bản tăng 90.000 đồng/tháng từ 1.7.2018: Tăng kiểm soát để “giá không chạy trước lương”

Về lý thuyết, đây là tin mừng với hàng triệu công chức, nhưng cũng không ít người lo ngại, lương chỉ tăng danh nghĩa trong khi người lao động (NLĐ) chỉ quan tâm tới thu nhập thực tế.

Mới chỉ tăng lương danh nghĩa

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng lương cơ bản là cần thiết và là “tin vui” với công chức và những người được tăng lương. Tuy nhiên, ngay cả với những người được tăng lương, “cái họ quan tâm vẫn là thu nhập thực tế, còn lương cơ bản mới chỉ là lương danh nghĩa” và việc tăng lương này nếu không đi kèm với kiểm soát lạm phát và bình ổn giá thì tăng cũng như không.

Chuyên gia này cũng nhận định, việc tăng lương cơ bản trên hiện mới chỉ dựa vào quy luật của giá mà không dựa trên năng suất lao động, trong khi theo quy luật, tốc độ tăng tiền lương phải chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động nên về lâu dài cần xem xét lại vấn đề trên.

Còn theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng vụ Ngân sách (Bộ Tài chính)- việc điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1.7 dù ít nhiều làm tăng chi thường xuyên so với năm 2017 nhưng không ảnh hưởng tới dự toán ngân sách chung của cả năm. So với năm ngoái, số người được tăng lương theo quyết định này có giảm nhẹ và vào khoảng 6 triệu người, trong đó công chức có khoảng 400.000 người, viên chức có trên dưới 2 triệu người còn lại là người về hưu, người có công...

NLĐ thuộc khối DN không nằm trong đối tượng thụ hưởng của lần điều chỉnh lương này. Khi quyết định tăng lương, Quốc hội đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tiết kiệm để lo lương cho cán bộ. Cụ thể, chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương gần như không đổi và các đơn vị phải tự cơ cấu lại bằng cách tiết kiệm trong chi thường xuyên để tăng lương.

Cần kiểm soát lạm phát để tăng lương thực chất

Phân tích về mức độ ảnh hưởng của quyết định tăng lương này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì mức tăng giống năm 2017 và không quá nhiều. Bên cạnh đó, sức cầu của nền kinh tế đang yếu nên việc tăng lương với mức tăng thấp hầu như không có tác động đáng kể đến chỉ số giá, chủ yếu là tác động giá dịch vụ công.

Về lý thuyết, khi giá dịch vụ công tăng thì người dân sẽ phải tiết giảm chi tiêu ở các mặt hàng khác và nhờ tăng lương cơ sở, cán bộ công chức, viên chức sẽ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống; tiền lương tăng cũng sẽ bù đắp, giúp người dân có thêm nguồn kinh phí để chi tiêu nhiều hơn, hỗ trợ sức mua tăng lên. Tuy nhiên, do mức tăng lương không cao, đối tượng thụ hưởng chỉ nằm trong diện hưởng ngân sách nhà nước, công chức, người về hưu nên nhìn chung, tác động sẽ nhỏ.

Tuy nhiên, khả năng các tư thương có vin vào việc tăng lương để điều chỉnh tăng giá các mặt hàng hóa, dịch vụ vẫn có, đặc biệt là vào những dịp cao điểm như cuối năm, lễ tết. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, hiện nay, các đợt tăng lương không liên tục như trước, mức tăng cũng thấp, chỉ khoảng 5-7%, mà hàng hóa lại dồi dào nên hiện tượng giá chạy trước lương không còn phổ biến.

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, hiện tượng này vẫn xảy ra ở một vài nơi và để hạn chế, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống hiện tượng làm nhiễu thông tin, gây sức ép tâm lý.

Bên cạnh đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cần duy trì hình thức bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu việc tăng lương này trên diện hẹp không gây ảnh hưởng lên thị trường giá cả như ngày xưa, không nên để những kẻ đầu cơ làm rối thông tin.

Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, trong đó nhấn mạnh, yêu cầu tăng cường phối hợp theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để thương nhân lợi dụng để nâng giá, găm hàng.

Anh Thanh Tuấn (viên chức thuộc quận Hà Đông, HN): Tôi được biết, mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng. Với hệ số lương của tôi hiện là 3,0 thì sẽ thêm khoảng 270 nghìn đồng mỗi tháng. Số tiền này chưa giúp gì nhiều cho chi tiêu sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, tăng được đồng nào vẫn quý đồng nấy. Tôi mong sao có chế độ đãi ngộ phù hợp cho công chức, viên chức để họ gắn bó và yên tâm công tác hơn.

Chị Thu Hằng (công chức Kho bạc Nhà nước quận Hà Đông, HN): Tôi nghe thông tin tăng lương cơ sở qua tivi nhưng tới tháng 7 sang năm mới tăng, chỉ lo chưa tới lúc đó giá cả đã tăng rồi. Với thu nhập như của tôi qua 23 năm làm việc, hiện nay khoảng 8 triệu đồng. Hai vợ chồng chi cho 2 con ăn học đã rất tốn kém và là khoản chi bất di bất dịch.

Chị Nguyễn Thu Trang (cán bộ phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội): Công tác tại phường từ năm 2011, tới nay, hiện hệ số lương là 2,67 và có 25% phụ cấp công vụ. Tổng thu nhập hiện nay, tôi đang tính về một tháng là 4 triệu đồng. Tôi nghĩ với mức lương như vậy, với khối lượng công việc như vậy thì rất khó khăn với cán bộ công chức cơ sở. Vì vậy, lương cơ sở dù tăng thêm 90 nghìn đồng, nhưng số tiền này không giúp nhiều cho việc nâng cao đời sống người lao động, nhất là những cán bộ phường như chúng tôi. Vũ Hải