Không có cơ sở khẳng định người Việt chuyển 3 tỷ USD sang Mỹ mua nhà?

Chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trước Quốc hội sáng nay (17/11), đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đặt câu hỏi liên quan tới thông tin người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ.

thong doc noi khong co co so khang dinh nguoi viet chuyen 3 ty usd sang my mua nha hinh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc

“Vừa qua có thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ. Số tiền này có phải là ngoại tệ từ Việt Nam chuyển sang không? NHNN có cơ chế nào kiểm soát vấn đề này hay không?", đại biểu Phạm Đình Cúc đặt câu hỏi.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, không có cơ sở nào cho thấy đây là dòng ngoại tệ được chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua nhà.

Theo Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có công dân mua nhà tại Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD.

 Số liệu người Việt Nam mua nhà tại Mỹ do Hiệp hội quốc gia, chuyên viên địa ốc của Mỹ thực hiện qua phiếu điều tra. Ở đây có thể là, người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì được tính là người Việt Nam. Hoặc công dân Việt Nam sinh sống ở quốc gia khác đến Mỹ mua nhà cũng tính là người Việt Nam, ông Hưng phân tích.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện Việt Nam có 43 dự án bất động sản đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 920 triệu USD, chiếm 43% vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó 17 dự án đầu tư vào Mỹ, chiếm 1/3 vốn đầu tư ra nước ngoài.

Số vốn thực tế chuyển ra nước ngoài đầu tư vào bất động sản chuyển vào Mỹ với tổng số vốn đăng ký hơn 215 triệu USD. Trong năm 2017 chỉ có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với số vốn 15 triệu USD.

thong doc noi khong co co so khang dinh nguoi viet chuyen 3 ty usd sang my mua nha hinh 2
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

 Thống đốc nhấn mạnh: NHNN đã có cơ chế kiểm soát đầy đủ chuyển tiền ra nước ngoài, xử phạt hành chính trong chính sách vi phạm chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra, trên cơ sở luật phòng chống rửa tiền cũng phải có báo cáo về giao dịch chuyển tiền.

Trên thực tế có thể có một số trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Do đó, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, ông Hưng nêu rõ./.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), người Việt Nam chỉ có thể chuyển tiền ra nước ngoài dưới một số điều kiện, một số giao dịch mà luật pháp cho phép, như mang tối đa 5.000 USD hoặc số tiền tương đương quy đổi khi qua cửa khẩu. Bên cạnh đó người Việt Nam có thể chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng để thanh toán những khoản tiền chuyển cho con cái đi du học, tiền chữa bệnh... Tuy nhiên, số tiền này cũng không nhiều.

Vì thế, người Việt khi muốn mua bất động sản ở Mỹ đều “núp bóng” một hình thức chuyển tiền nào đó phi chính thức bất chấp các dịch vụ chuyển tiền không chính thống thường chứa đựng nhiều rủi ro. Không phải ai cũng chuyển tiền suôn sẻ, không ít người đã mất trắng vì những dịch vụ chuyển tiền “chui” như vậy.

 Theo Trần Ngọc/VOV.VN