Savills: TPP không phải phép màu với bất động sản

Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho biết, có nhiều điều cần nhìn lại về ảnh hưởng thực sự của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với thị trường bất động sản, sau một thời gian dài mọi thứ chỉ mới tồn tại ở dạng kỳ vọng.

Chuyên gia này phân tích, nhớ lại thời điểm khi Hiệp định này hoàn thành vòng đám phán giữa các bên, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đột nhiên trở nên tràn đầy hứa hẹn với nhiều lợi ích tích cực. Với mục tiêu xóa bỏ thuế suất của các mặt hàng giữa những nước thành viên, quy định một số ngành hàng trong khung thỏa thuận của TPP sẽ là nhân tố quan trọng giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Điều này cũng thúc đẩy các tập đoàn chuyển hướng từ các nước sở tại chọn Việt Nam – nơi cung cấp nguyên liệu thô - để lắp đặt nhà máy, kho bãi văn phòng cũng như cơ sở kinh doanh. Không những thế, những nhu cầu về bất động sản bán lẻ, nhà phố, trung tâm thương mại, siêu thị…, cũng sẽ phát triển mạnh nhờ vào xu thế hội nhập và giảm các loại thuế quan.

Cộng đồng kinh tế mở gần như lớn nhất thế giới của TPP cũng dự kiến là cơ hội tốt cho hàng loạt các chuyên gia nước ngoài, và cùng với sự dịch chuyển sự nghiệp của họ là sự gia tăng về nhu cầu nhà ở, thuê căn hộ, tiêu dùng, mua sắm…

savills-tpp-khong-phai-phep-mau-voi-bat-dong-san

TPP được đánh giá chưa phải là phép màu đối với bất động sản. Ảnh: Lucas Nguyễn

Thế nhưng, trong khi một FTA kiểu mới với 12 nước thành viên, với sự xuất hiện của hai cường quốc Mỹ - Nhật ban cho bất động sản Việt Nam quyền kỳ vọng vào sự phát triển đột biến, thì lại có những yếu tố chính trị dẫn tới các diễn biến mới. Một trong số đó là Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP.

Nhiều người đã từng tự hỏi rằng, thời điểm 2008 khi bất động sản Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng thì giả sử, sự xuất hiện của TPP liệu có vực dậy thị trường? Tương tự như năm 2014, TPP có thể giúp thị trường bất động sản lên cao hơn mức tăng trưởng ấn tượng thời điểm đó hay không? Và nếu nhìn rộng ra ngoài biên giới Việt Nam, sức ảnh hưởng của TPP thế nào đối với những quốc gia còn lại, sau khi Mỹ rút?

Về mặt lý thuyết, nếu Mỹ không tham gia TPP, mọi thứ tác động cơ bản đến Việt Nam, cụ thể là bất động sản ở quy mô không lớn như khi có Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, xét về nhịp độ và diễn biến chung, thị trường bất động sản vẫn liên tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, quy mô không ngừng được mở rộng trong những năm qua ngay cả khi TPP chưa kịp về đích.

Những sự dịch chuyển rầm rộ đã từng được chứng minh đại loại như nhiều nhà sản xuất đã đầu tư và mở rộng cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam để đón TPP. Nhưng có vẻ như TPP chỉ là cái cớ bên cạnh những mục tiêu khác thực tế hơn.

Có thể thấy rằng dòng chảy đầu tư và sự phát triển của bất động sản tại Việt Nam bị ảnh hưởng và chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, không phụ thuộc hoàn toàn vào TPP. Các nhân tố chủ chốt đó là quy mô dân số, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, giá lao động, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường tiêu dùng nội địa...

Những thỏa thuận thương mại khác, cùng với TPP, chỉ đóng vai trò là sự cộng hưởng thêm. Nếu có, thắng lợi của TPP nằm ở chỗ góp phần giúp tạo nên vị thế mới cho Việt Nam như một thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản.

Theo Vũ Lê(VnExpress)