Nội thất Nhà Xinh muốn 'phủ sóng' Đông Nam Á

Nhà Xinh là một trong những thương hiệu kinh doanh thành công của ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị của hai công ty nội thất AA và AKA. Nhà Xinh hướng đến phân khúc cao cấp, có ít showroom trưng bày, nhưng đều đặt ở vị trí đắc địa tại các thành phố lớn, cung ứng dịch vụ thiết kế, thi công, hoàn thiện trọn gói không gian sống.

polyad

Là người sáng lập AA, Nhà Xinh, ông Nguyễn Quốc Khanh đồng thời chủ tịch của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa).

Làm thế nào để tốc độ tăng trưởng doanh thu của Nhà Xinh luôn ở mức 20%, trong khi các phẩm này có giá bán cao?

- Nhà Xinh mang lại 60% doanh thu cho AKA và có tốc độ tăng trưởng 20% trong năm qua. Đến tháng 11/2017, chúng tôi đã đạt 90% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nhà Xinh ra đời năm 1999 do chúng tôi muốn mở công ty phân phối hàng nội thất chuyên nghiệp, tức có nhà thiết kế, trưng bày, tiếp thị và quảng cáo. Trước đó, hầu như chưa có một đơn vị nào làm điều này.

Ban đầu đặt tên Nhà Xinh, tôi rất phân vân không biết có quá đơn giản không. Tuy nhiên, đối với người Việt, chữ “xinh” rất thân thiện, không phô trương như chữ “đẹp”. Tôi cũng tự hào vì tham gia các hội chợ quốc tế, cứ đọc tên thương hiệu là biết ngay của Việt Nam.

Sản phẩm của chúng tôi có nhiều trường phái. Giá cả phù hợp với chất lượng, hướng đến khách hàng trung cao cấp. Hiện nay, mức sống của người dân tăng lên, mức giá của Nhà Xinh không còn còn quá cao mà phù hợp hơn với nhiều người.

Quan trọng nhất, chúng tôi giúp cho khách hàng cảm nhận các giá trị gia tăng đằng sau mỗi sản phẩm, đó là chất sang trọng, phong cách riêng trong từng mẫu thiết kế.

Tại mỗi cửa hàng trưng bày đều có dịch vụ thiết kế, thi công và hoàn thiện nội thất trọn gói, giúp khách hàng có một không gian đẹp từ tổng thể đến chi tiết. Những sản phẩm nội thất đều mang vẻ đẹp tinh tế, sang trọng và hài hòa.

- Ông có chia sẻ hoạt động của doanh nghiệp sẽ dịch chuyển để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, đó là gì?

- Trong tương lai, mỗi sản phẩm chúng tôi đều gắn chip điện tử. Trích xuất từ thiết bị này, khách hàng có thể đọc những kỷ niệm gắn với sản phẩm. Ví dụ như con cái có thể biết thời điểm bố mẹ mua món hàng này, hoặc những thông tin gắn liền của gia đình trong sản phẩm đó. Chúng tôi muốn trở thành thương hiệu Việt làm được điều này.

Hoài bão lớn hơn là Nhà Xinh sẽ xuất hiện tại thị trường khác ở Đông Nam Á và các thị trường khác nữa, vì thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng ở Campuchia, Lào, Thái Lan hay Philippines rất giống Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm gỗ. Phủ sóng ở khu vực này là mục tiêu sắp tới của chúng tôi.

polyad

Ông Nguyễn Quốc Khanh cùng nhân viên của AA tại quốc đảo Saint Kitts vùng Caribbean.

Thường xuyên thắng thầu thiết kế nội thất cho các tập đoàn, khách sạn hạng ở nhiều châu lục. Vì sao bây giờ ông mới nghĩ đến chuyện chinh phục thị trường Đông Nam Á?

- Hơn 20 năm phát triển, AA thi công và lắp đặt nội thất cho khách sạn, resort 5 sao trong nước và tại Trung Đông, Mỹ, Singapore... Chúng tôi muốn chinh phục những thị trường khó nhằn nhất để thách thức bản thân, định vị thương hiệu. Chúng tôi đi từ khó đến dễ, nếu đã vượt qua các cửa ải phức tạp thì việc khai phá các thị trường liền kề, tương đồng với Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nhiều.

- Ông làm thế nào để cạnh tranh với các đối thủ ngoại nhiều tên tuổi trong lĩnh vực thiết kế nội thất?

- Mới đây, chúng tôi chính thức đặt chân vào thị trường Caribbean - Trung Mỹ với dự án của Park Hyatt tại Saint Kitts và Nevis. Phần lớn các sản phẩm gỗ nội thất ở công trình này nhập hoàn toàn từ Việt Nam.

Khách hàng tiếp tục chọn chúng tôi cho một công trình năm sao Ritz Carlton tại Saint Lucia cách đó không xa. Ngoài ra, chúng tôi vẫn liên tục nhận các lời mời đảm nhận các công trình thuộc các dòng khách sạn đằng cấp như Kempinski, Six Senses tại các khu vực lân cận.

Tương tự như khi tôi đến Myanmar, Campuchia cách đây hàng chục năm, AA gia nhập thị trường Caribbean với con số không. Các đảo quốc ở Trung Mỹ hầu như còn rất hoang sơ. Chúng tôi hoàn toàn phải nhập khẩu mọi thứ.

Sở dĩ đạt thành công như vậy là do người Việt Nam rất chịu khó, sẵn sàng chấp nhận thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.

Phía khách hàng đã làm việc với đơn vị thi công từ Anh. Đơn vị này mang các công nhân từ Mexico và Panama đến với giá rất đắt. Bộ máy quản lý của các doanh nghiệp châu Âu khá rườm rà, thời gian thực hiện công trình đội lên, dẫn đến việc gia tăng chi phí.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, song chất lượng công trình không hề kém cạnh.

Ăn nên làm ra ở lĩnh vực thiết kế nội thất, ông mở rộng sang phân phối và bán lẻ nội thất. Vì sao có sự dịch chuyển này?

- Khi phát triển công ty nội thất AA, chúng tôi chọn chiến lược kiềng ba chân, gồm sản xuất, xuất khẩu, phân phối. Khi đó, cùng một thời điểm, chúng tôi sẽ luôn có công việc, công xưởng sản xuất luôn hoạt động.

Đó là bài toán theo hướng sợ rủi ro của tôi. Thực tế, khi AA thành công, khối lượng công việc cho công trình quá nhiều, công ty không thể đáp ứng cho hai mảng phân phối và xuất khẩu. Nếu tình trạng tiếp tục, công ty đứng trước nguy cơ phát triển không đồng đều, có mảng không phát triển.

Làm công trình khách sạn, nhà hàng, chung cư cũng khá khác biệt so với công việc bán lẻ. Một đơn vị bán lẻ có thời gian nghiên cứu mẫu mã, làm tiếp thị, làm chương trình bán hàng, làm kế hoạch và quyết định thời điểm tung sản phẩm để đạt lợi nhuận cao nhất. Khi làm công trình, chúng tôi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế và tiến độ của khách hàng.

Điều này đòi hỏi bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên, chiến lược kinh doanh, chăm sóc khách hàng hoàn toàn chuyên môn hóa. Tôi quyết định tách ra thành AA và AKA vào năm 2010.

AKA quản lý bốn thương hiệu nội thất gồm Nhà Xinh, thương hiệu nhượng quyền Đan Mạch BoConcept, thương hiệu nhập khẩu 100% từ châu Âu và Italy là Bellavita và thương hiệu Italy - Calligaris. Sau 7 năm hình thành và phát triển, hiện nay doanh thu của AKA khoảng 20% của AA.

Ngoài ra, chúng tôi sắp tới sẽ ra mắt showroom có tất cả các thương hiệu trên để đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng. Bạn có thể mua một cái bàn của Calligaris, cái tủ của Lago và căn bếp của Nhà Xinh. Đồng thời chúng tôi sẽ phát triển một thương hiệu bếp, công nghệ từ Italy, phụ liệu của Đức và sản xuất Việt Nam.

Song, tôi kỳ vọng đa số sản phẩm tại Nhà Xinh trong tương lai là hàng Việt, bởi các sản phẩm gỗ nội thất Việt Nam rất được các nước ưa chuộng. Nhưng để có thể làm được điều này, chúng tôi phải phát triển đủ doanh số để có thể đặt hàng với số lượng lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

polyad

Một bộ sưu tập nội thất của Nhà Xinh.

Theo ông, doanh nghiệp nội thất Việt nên tận dụng cơ hội này thế nào?

- Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước 7,6 tỷ USD, năm nay dự kiến chạm mốc 8 tỷ USD. Liên tục các năm, gỗ nằm trong top 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong câu lạc bộ 5 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới và đứng thứ nhì tại châu Á nên cơ hội cho doanh nghiệp còn rất nhiều.

Ở cương vị chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), tôi tin rằng, nếu Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp hoạt động chặt chẽ, ngành gỗ sẽ còn tiến xa, doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đô. Ngành trồng rừng và khai thác gỗ phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng hàng triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm là động lực phát triển cho ngành và xã hội.

Các doanh nghiệp khi tham gia vào Hiệp hội đều ký cam kết không khai thác gỗ bất hợp pháp, không cưa xén các mảng rừng tự nhiên và các sản phẩm gỗ ra thị trường đều phải có chứng chỉ, nguồn gốc.

Hiệp hội tạo một chuỗi cung ứng chặt chẽ từ người trồng rừng cho đến người dùng cuối. Khi có kế hoạch khai thác đúng, người dân sẽ không còn bối rối trong việc sản xuất gỗ. Nhờ đó, họ có thể tối đa hóa nguồn lợi đến từ mảnh đất rừng của họ. Doanh nghiệp có thể chủ động nguồn cung cầu gỗ cho nhu cầu chế biến hoặc xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong sản phẩm gỗ Việt Nam cũng cao hơn.

Theo Tuấn Nhu(VnExpress)