Sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Ảnh minh họa
Theo dự thảo, nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT gồm: Ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước năm hiện hành; các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT…

Dự thảo nêu rõ các nội dung chi bảo đảm TTATGT gồm: Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT; chi hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm TTATGT; chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ trực tiếp phục vụ công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật hiện hành; chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành; chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT; chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng hoặc nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.

Về mức chi, dự thảo quy định, mức chi cho công tác bảo đảm TTATGT thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với nội dung chi chưa có mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng hoặc nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn không quá 5 triệu đồng/người.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Lan Phương(Báo chính phủ)