Quảng Ngãi tìm lối ra cho dưa hấu

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân đầu tư trồng dưa hấu một cách ồ ạt, đa phần sản xuất mà chưa xác định được nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng sản phẩm.

Do thiếu thông tin tin cậy về nhu cầu, người nông dân có xu hướng sản xuất tự phát, theo phong trào; sản xuất với quy mô, sản lượng lớn cùng chủng loại làm tăng tính cạnh tranh trực tiếp giữa những người nông dân nhưng chất lượng lại không đồng đều khiến cho người mua thiếu thiện cảm với sản phẩm. Ngoài ra, dưa hấu xuất khẩu được bảo quản rất thô sơ, chỉ phủ rơm khi vận chuyển, dẫn đến không giữ được lâu và càng dễ bị ép giá.

Việc tiêu thụ dưa hấu lại chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng bản chất thị trường này cũng thiếu ổn định. Các thương lái Trung Quốc kinh doanh theo hình thức tiểu ngạch, có thể ép giá sản phẩm trong điều kiện xuất khẩu ồ ạt vào chính vụ, dẫn đến sự thua thiệt cho người nông dân do mua bán không có hợp đồng.

Người nông dân Quảng Ngãi hầu như chưa gắn kết được với các hệ thống phân phối bán lẻ tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, mà chủ yếu thông qua thương lái. Hơn nữa, cũng chưa hình thành được chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững. Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Trong năm 2017, tổng diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.370 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 297,5 tạ/ha. Sản lượng bình quân ước đạt 40.783 tấn. Các giống dưa hấu được nông dân lựa chọn trồng chủ yếu gồm Hắc Mỹ nhân, Hắc Long, An Tiêm, Hồng Lương. Giá bán dưa hấu dao động từ 2.000-8.000 đồng/kg.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2016, xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc hơn 238.000 tấn, vượt quá nhu cầu thị trường lên đến 38.000 tấn dẫn đến hệ lụy “được mùa, mất giá” diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân chính của tình trạng này do bất cập về tổ chức sản xuất và tiêu thụ của địa phương cũng như các cơ quan quản lý, trong đó có công tác dự báo và cơ cấu lại thị trường chưa làm tốt. Dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu là bán sang Trung Quốc. Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chưa được quan tâm đúng mức để hỗ trợ cho nông dân trong việc tổ chức lại sản xuất. Mặt khác, nông dân Quảng Ngãi với phương thức sản xuất còn lạc hậu, sản xuất theo hộ gia đình; các hợp tác xã chưa được đổi mới, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, theo thông tin từ một số đại biểu, mùa dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, 9 hằng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam nên việc nhập khẩu tương đối hạn chế.

Về thói quen tiêu dùng, người Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng từ khoảng 3-4 kg/quả. Trong khi đó, dưa hấu Quảng Ngãi thường có trọng lượng gấp từ 1,5-2,5 lần nên chưa đáp ứng được thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.

Một số giải pháp được đưa ra tại Hội nghị như doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng, có bước đi phù hợp với cơ chế đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Ngoài ra, cần định hướng cho người nông dân trong quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần công khai đầy đủ thông tin về tình hình tiêu thụ sản phẩm để người dân nhận diện thị trường, quyết định việc sản xuất bởi chỉ khi cung không vượt quá cầu thì người trồng dưa mới có lợi nhuận.

Theo Lưu Hương(Báo chính phủ)