Dự thảo Luật Chăn nuôi (sửa đổi): Yêu cầu trang trại chăn nuôi cách xa khu dân cư... sẽ làm khó doanh nghiệp

Ngày 6/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Chăn nuôi (sửa đổi).

Dưới góc độ người nghiên cứu chính sách, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI nhận định, so với lần sửa đổi thứ nhất, lần này Dự thảo luật đã có nhiều điểm mới và tiến bộ.

“Đáng chú ý, Dự thảo đã đưa ra danh mục cấm các chất được dùng trong chăn nuôi. Nếu đi vào thực tế thì điều khoản này sẽ có tác động rất lớn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp” - ông Tuấn nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI nhận định, so với lần sửa đổi thứ nhất, lần này Dự thảo luật đã có nhiều điểm mới và tiến bộ.

Dưới góc độ của người soạn thảo chính sách, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc xây dựng dự thảo Luật là cần thiết.

“Ngành chăn nuôi mới chỉ có Pháp lệnh 16/2004/PL-UBTVQH, bên dưới có một số văn bản vi phạm pháp luật. Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh, khi nhìn nhận lại, những văn bản quy phạm có nhiều điểm không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành chăn nuôi. Vì vậy, việc xây dựng vô cùng cấp thiết” - ông Vân nói.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định việc xây dựng dự thảo Luật là cần thiết.

Đồng thời, đại diện ban soạn thảo cũng nhấn mạnh: “Nếu đi vào thực tế, Dự thảo Luật sẽ tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng cho ngành chăn nuôi” - ông Vân nói.

Đáng chú ý, tại điểm a khoản 2 điều 67 dự thảo Luật quy định vị trí và khoảng cách trang trại chăn nuôi. Theo đó, khoảng cách của các trang trại chăn nuôi phải đảm bảo cách xa trường học, bệnh viện, khu dân cư… Tại điểm c điều 67 dự thảo luật quy định, đối với các cơ sở chăn nuôi từ trước thì trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi dự luật này có hiệu lực, cơ sở chăn nuôi phải di dời tới địa điểm và vị trí phù hợp với quy định.

Về điều luật này, ông Ngô Tiến Dũng - Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH khẳng định, trên thực tế doanh nghiệp sẽ rất khó có thể thực hiện điều luật trên.

“Quy định như đang làm khó doanh nghiệp, doanh nghiệp khó có thể thực hiện được điều luật trên. Hơn nữa, định nghĩa thế nào là khu dân cư cũng chưa rõ ràng. Khu dân cư là cả một làng, một xã hay chỉ vài hộ gia đình? Định nghĩa khu dân cư còn chưa rõ ràng thì cơ sở chăn nuôi biết tránh kiểu gì? Muốn doanh nghiệp đặt trang trại chăn nuôi cách xa khu dân cư thì trước tiên phải xác định những khu vực như thế nào là khu vực dân cư” - ông Dũng đặt vấn đề.

Ông Ngô Tiến Dũng, công ty cổ phần thực phẩm sữa TH khẳng định, trên thực tế doanh nghiệp sẽ rất khó có thể thực hiện điều luật trên.

Cùng góp ý về vấn đề này, ông Hoàng Kim Vũ - Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho rằng quy định này khiến doanh nghiệp khó khăn trong quá trình thực hiện. “Bây giờ nếu như đặt cách xa khu dân cư này thì sẽ gặp phải khu dân cư khác, tránh làng này sẽ va vào làng khác. Rất khó để có thể thực hiện được quy định này”.

Về vấn đề này, ông Đoàn Trọng Lý - Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng nếu như đi vào thực tế thì doanh nghiệp khó có thể thực hiện được điều khoản này.

“Khoảng cách các trại chăn nuôi phải dời xa trường học, bệnh viện… nhưng quy định phải rời bao nhiêu km thì mới phù hợp lại chưa được quy định rõ ràng. Điều này khiến cho doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm mới".


Dự thảo Luật chăn nuôi (sửa đổi) gồm 8 chương, 87 điều đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

Tại điểm c điều 67 dự thảo luật quy định đối với các cơ sở chăn nuôi từ trước thì trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi dự luật này đi có hiệu lực từ cơ sở chăn nuôi phải di dời tới địa điểm và vị trí phù hợp với quy định. Việc di chuyển trang trên thực tế sẽ khiến doanh nghiệp rất tốn chi phí, nhất là những doanh nghiệp có hệ thống cơ sở vật chất đồ sộ” - ông Lý nói.

Trước góp ý của doanh nghiệp, người đại diện ban soạn thảo khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến và sửa đổi. Dự thảo Luật Chăn nuôi (sửa đổi) gồm 8 chương, 87 điều đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

Theo Huyền Trang(Báo DĐ DN)