Lạc giữa ma trận “làm luật” trên sông

Một trong số đó, tất nhiên, là khổng lồ những khoản chi phí không tên được gọi chung là tiền “luật”.

Thế nhưng trên sông - nơi sự giám sát gặp khó vì rào cản địa lý - không chỉ có lực lượng CSGT công nhiên lướt ca nô chặn tàu “làm luật”, mà còn nhiều nhóm đối tượng khác, vì đủ các lý do khác… 

Tiền “luật” chiếm 1/3 chi phí

Một ngày đầu đông 2017, chiếc tàu sông, biển số Phú Thọ, tải trọng đăng kiểm 1.150 tấn xuất phát từ một cảng cát tư nhân thuộc địa phận xã Phượng Lâu - TP.Việt Trì, nhưng do nước cạn, chỉ dám chở một lượng lưng lửng ngót 800 tấn.

Anh lái tàu Nguyễn Văn P không nửa lời thắc mắc về mục đích có mặt của những người khách lạ mà chỉ bận tâm tới số lượng. Anh căn dặn: “Danh bạ tàu có 4 người. Nếu bị kiểm tra, các anh cứ nói là lái xe công ty gửi về dưới cảng Cát Hải”. Tất cả xong xuôi. Vậy là hành trình xuôi qua 6 tỉnh từ Phú Thọ về Hải Phòng của chúng tôi bắt đầu.

Nhóm người thuộc Công ty Hồng Vân đang nhận 500.000 đồng “làm luật” từ chủ tàu. Ảnh: PV.
Nhóm người thuộc Công ty Vân Phúc đang nhận 500.000 đồng “làm luật” từ chủ tàu. Ảnh: PV.

41 tuổi, 30 năm xuống sông và hơn 20 năm cầm lái, anh P (quê Thường Tín, Hà Nội) hội tụ đầy đủ đặc trưng của một người con sóng nước: Dẻo dai, rám nắng, ít quan tâm thế sự và đặc biệt thật thà như đếm. Anh P cho biết, con tàu là của chung, mới đóng năm 2016 gần 6 tỉ đồng, anh góp gần 2 tỉ đồng nhưng hiện rất lo lắng bởi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Phần vì bản thân ngành vận tải đường sông ngày càng đi xuống, phần vì nước sông ngày càng cạn trong khi dòng chảy liên tục bị thay đổi bởi nạn “cát tặc” hoành hành…

Thế nhưng, trong khi phần lớn mọi thứ đều có xu hướng suy giảm thì vẫn có những thứ đi ngược lại, trong đó có tiền “luật”. “Nói nôm na thế này. Nếu hàng mình nghiêm ngắn, tàu mình đầy đủ (khí cụ, giấy tờ), tôi chạy từ Phú Thọ về Hải Phòng hết khoảng 20 triệu tiền dầu thì chi khoảng 8 triệu tiền “luật”. Còn thiếu khoản gì thì lại linh động “làm luật” khoản ấy, vô cùng lắm…” - anh P nhẩm tính.

Một pha áp mạn và đưa-nhận nhanh như cắt giữa người trên tàu và 3 người trong trang phục CSGT.
Một pha áp mạn và đưa-nhận nhanh như cắt giữa người trên tàu và 3 người trong trang phục CSGT.

Sau đây là đoạn trao đổi của PV với anh P, khi anh này đang lái tàu:

- Tàu mình mới tinh thế này, lại chở dưới tải trọng quy định, có phải “làm luật” không anh?

- Làm chứ, không làm mà được à. Không làm “nó” hoạnh cho bằng chết.

- Mình cứ đầy đủ thì hoạnh cái gì?

- Thói quen rồi, còn lúc này lúc khác… “Nó” mà thù thì hết cửa làm ăn...

Thực vậy, từ trên chiếc tàu to lớn của anh P, nhóm PV Báo Lao Động không quá khó để tận thấy những cảnh ngang ngược vẫn từng ngày, từng giờ diễn ra trên sông, đồng thời cũng điểm mặt, chỉ tên được “nó” là những ai.

Một người trong trang phục CSGT đang nhận tiền từ một chủ tàu khi đi qua địa phận ngã ba sông Bạc Hạc.
Một người trong trang phục CSGT đang nhận tiền từ một chủ tàu khi đi qua địa phận ngã ba sông Bạch Hạc.

Tàu to, tàu nhỏ, cùng mức phí

Một ngày khác, chúng tôi cùng lúc lên 2 tàu cát cỡ nhỏ loại 400 tấn nhưng đều chở quá tải khiến mạn tàu ngập bủm trong nước, xuôi từ chân cầu Việt Trì về Nam Định. Đối với Phú Thọ, 2 chiếc tàu biển số thuộc một tỉnh miền Trung này được gọi là tàu ngoại tỉnh nên mức giá “làm luật” cũng cao hơn, bất kể to nhỏ hay chở đầy hoặc vơi. Chỉ có tàu đi nổi (không chở hàng) mới được tính ngoại lệ.

Khoảng 8h sáng, ngang qua khúc sông gần trụ sở Phòng CSGT đường thủy - Công an tỉnh Phú Thọ (gần ngã ba sông Bạch Hạc), giữa những tiếng máy tàu đinh tai nhức óc, bỗng xuất hiện tiếng ve ve của ca nô lướt nhanh trên mặt nước. 3 người đàn ông trong trang phục CSGT mặc bên ngoài áo phao màu cam không bỏ sót bất cứ chiếc tàu có tải nào đi ngang qua.

Mỗi khi có tàu đến tầm kiểm soát, chiếc ca nô nhanh chóng áp mạn rồi 1 hoặc 2 người nhảy phắt lên ca bin tàu để rồi từ 30 giây đến khoảng 1 phút sau lại lục tục trèo xuống.

Đến chiếc tàu thứ nhất của đoàn, có lẽ do nước ngập, những người trên ca nô chỉ kè kè sát mạn rồi ngoắc tay báo hiệu. Biết ý, người phụ nữ bên trong vội vã chạy ra dúi vội vào tay người mặc trang phục CSGT đứng phía bên phải ca nô một vật gì đó. Giữa hai bên gần như không thực hiện bất cứ cuộc hội thoại nào.

Ở một khúc sông cách đó không xa, một chốt khác của công ty Vân Phúc cũng đang miệt mài thu tiền “dẫn luồng” của tàu bè qua lại.
Ở một khúc sông cách đó không xa, một chốt khác của công ty Vân Phúc cũng đang miệt mài thu tiền “dẫn luồng” của tàu bè qua lại.

Trở vào bên trong, cô này khẳng định: “400 (nghìn đồng)” đồng thời thắc mắc: “Thông thường phải 500 (nghìn đồng) mới lọt, không hiểu sao nay lại dễ tính thế?”.

Tại chiếc tàu thứ 2, khi chiếc ca nô cập mạn, một người trong trang phục CSGT còn khá trẻ, xách chiếc cặp da màu đen len lên tàu và đứng sát cửa khoang lái. Cũng gần như không có cuộc trao đổi nào. Người đàn ông khẽ hướng đôi tay lên, người phụ nữ lái tàu đưa vào lòng bàn tay người đàn ông một khoản tiền. Cuộc kiểm tra kết thúc. Từ lúc người đàn ông xuất hiện đến lúc rời đi, chưa tới 10 giây đồng hồ trôi qua.

Tại cuộc gặp giữa 2 tàu vào buổi trưa cùng ngày. Cả hai chủ tàu đều khẳng định với chúng tôi rằng, CSGT đường thủy Phú Thọ thuộc vào hàng “rắn”. Cùng chiếc tàu trên, nếu qua các địa phương khác thì chỉ 2 trăm nghìn đồng/trạm nhưng CSGT đường thủy Phú Thọ đều đòi 4 - 5 trăm nghìn đồng. Những chủ tàu cũng cho biết thêm, mức “luật” 200 nghìn đồng/trạm CSGT đang là mức chung “bất thành văn” của tất cả các tàu có tải từ lớn đến nhỏ.

Ngoài CSGT còn những ai tham gia “làm luật”

Quay trở lại con tàu biển Phú Thọ của anh Nguyễn Văn P, vì là tàu tỉnh nhà, anh chỉ phải chi mức “luật” 200 nghìn đồng khi qua trạm CSGT đoạn gần ngã ba sông Bạch Hạc. Thế nhưng, do tàu có tải trọng lớn hơn, nên anh buộc phải chi 500 nghìn đồng cho một dịch vụ được gọi tên nôm na là “dẫn luồng” cho 3 người đàn ông đội mũ cối đi trên ca nô trắng khi bắt đầu di chuyển trên sông Hồng vào địa phận xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Cầm về trên tay tờ giấy màu hồng ghi rõ: “Phiếu kéo tàu và đưa tàu qua khu vực cạn” do Công ty CP Thương mại Vân Phúc phát hành mặc dù không hề sử dụng bất cứ dịch vụ gì hôm đó có khoanh số 50 (biểu hiện cho 500 nghìn đồng), anh P giải thích: “Không nộp là không xong”.

Đi từ Phú Thọ về Hà Nội, tàu của anh P phải đóng 1,2 triệu đồng phí “dẫn luồng” nhưng không sử dụng bất cứ dịch vụ gì, đổi lại chỉ là 3 mảnh giấy này.
Đi từ Phú Thọ về Hà Nội, tàu của anh P phải đóng 1,2 triệu đồng phí “dẫn luồng” nhưng không sử dụng bất cứ dịch vụ gì, đổi lại chỉ là 3 mảnh giấy này.

Theo anh P, kể từ Đoan Hùng (Phú Thọ) về đến đất Vĩnh Phúc, có ít nhất 4 trạm thu tiền “dẫn luồng”, lần lượt do công ty Phúc Hưng Phát (Phú Thọ), công ty Hoa Hồng (Phú Thọ) và Vân Phúc (có 2 trạm tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc) đứng ra độc quyền làm dịch vụ. Tàu thuyền đi qua khu vực có thể không nộp, xong đến lúc mắc cạn, các công ty trên sẽ bắt chẹt với giá cắt cổ, đồng thời không cho bất cứ đội cứu hộ nào vào cứu tàu.

“Bình thường, kéo tàu mất 1-2 triệu. Nhưng nếu không đóng tiền “dẫn luồng” mỗi khi đi qua địa phận của họ, thì khi gặp nạn bị ép đến 15-20 triệu đồng cũng phải chịu”.

Cũng bị ép sử dụng dịch vụ này cho nhóm người trên, nhưng 2 con tàu biển số miền Trung chỉ phải nộp 200 nghìn đồng/tàu. Việc thu tiền “dẫn luồng” diễn ra cũng khá đơn giản và nhanh gọn. Khi thấy tàu có tải, 3 người đàn ông đi trên chiếc ca nô có biển hiệu công ty Vân Phúc sẽ nhanh chóng áp sát mạn tàu rồi hất hàm hỏi: Bao nhiêu? Người trên tàu thì đã quá quen thuộc, báo: “2 trăm”. Một tờ phiếu màu hồng được phát ra, biển số tàu được viết tắt và  số 20 được khoanh rõ trên mặt giấy giao lại cho người trên tàu.

Thế nhưng vẫn còn một nhóm người khác trắng trợn làm luật với cánh lái tàu mà trong hành trình của mình, nhóm PV báo Lao Động đã ít nhất 1 lần tận mắt chứng kiến.

Theo đó, chiều 2.12, trên một tàu hàng loại lớn “đang” chờ ăn than tại địa phận cầu Bình (Nam Sách, Hải Dương) bất ngờ có 1 nhân viên cảng vụ mặc đồng phục có tên Đậu Đức Th. bước vào ca bin để giải quyết các thủ tục giấy tờ cần thiết cho tàu xuất bến. Sau khoảng 15 phút kiểm tra sổ sách và được chủ tàu yêu cầu ghi biên lai thu tiền thì người nhân viên này liền đồng ý ngay.

Theo đó, nội dung bên trong biên lai thu tiền gồm 2 khoản thu là trọng tải phí 382.000đ và thủ tục phí 40.000đ. Khi chủ tàu rút trong túi ra số tiền 800.000đ đưa cho người nhân viên này thì ngay lập tức vị này tỏ vẻ khó chịu và nói một câu rất ngắn gọn: “Sao làm thế này?”. Để giảm bớt căng thẳng, chủ tàu liền giải thích: “Chuyến nào anh chẳng làm thế, đây anh chạy cho công ty mà?”.

Tuy nhiên, không vì thế mà người nhân viên này đồng ý cho qua và lại giải thích ngược lại với trọng tải như vậy thì đã được “tạo điều kiện” chứ không là phải thu 1.100.000đ chứ không phải 1.000.000đ như mọi khi. Sau khi nài nỉ một hồi không được, chủ tàu lại phải chạy đi lấy thêm 200.000đ đưa cho người nhân viên này. Khi đã nhận đủ tiền, vị này liền đưa lại hóa đơn cho chủ tàu và đi lên bờ một cách nhanh chóng...

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin trong những số báo tới.