Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi

Chương trình do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 7/12 tại trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
 
Toàn cảnh Diễn đàn

Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu GDP năm 2017 là tăng 6,7%. Chính vì vậy, GDP 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành.

Tính đến thời điểm này, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đã nằm trong tầm tay. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm mà toàn bộ 13 chỉ tiêu do Trung ương, Quốc hội giao được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Cùng với đó, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá: năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Chuẩn bị kết thúc năm tài khóa 2017, việc đưa ra các dự báo về kinh tế trong nước và thế giới cùng xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ là việc làm quan trọng giúp doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó đồng thời tìm kiếm những cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi vào lúc 14h00 – 17h00, ngày 07/12/2017 tại Hội trường 1, tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Hơn 300 khách mời doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp 2018 có: Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương; TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện Kinh tế và chính trị thế giới; Ông Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính; Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen; PGS TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp; Ông Nguyễn Công Tham, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kế toán kiểm toán Việt Nam; Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam; Ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Định; Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam; Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội; Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội; Ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Thành phố Hà Nội; Ông Ninh Hữu Chiến – Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam; Ông Bùi Xuân Tiến – Đại diện Cộng đồng doanh nghiệp HBC... cùng đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin VN (VINASA); Đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam; Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Câu lạc bộ CEO Hà Nội, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Học viện Nông nghiệp, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Đại học Lâm nghiệp, Câu lạc bộ của ĐH Hà Nội, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam… và hơn 300 doanh nghiệp tham dự.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù phải còn gần 1 tháng nữa, nền kinh tế Việt Nam mới về đích 2017, nhưng những số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khá sáng sủa và những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đã gần như đạt được.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Phòng cho biết, ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mục tiêu cắt giảm 30%-50% số giấy phép con để “cởi trói” cho doanh nghiệp được đề ra. Trong đó, hai tuyến cải cách: giảm rào cản và giảm chí phí đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ…

“Đặc biệt, theo các khảo sát động thái của doanh nghiệp do VCCI thực hiện gần đây đều cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, trên 100 ngàn doanh nghiệp mỗi năm. Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu” – ông Phòng nhấn mạnh.

Thêm nữa, việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TƯ 5 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân với những giải pháp đột phá sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng, báo hiệu năm 2018 tới đây sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức. Ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Hiện tại, dù chúng ta có gần 700 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trên 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng/2017 có 116 ngàn doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…

Theo Phó Chủ tịch VCCI, cần tiếp tục tăng cường các nghiệp vụ giám sát và quản lý thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh. Thách thức về lâu dài đối với Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng với tốc độ cao đi đôi với giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước), cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất (đất đai, vốn) sẽ giúp xóa bỏ các rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động. Cần giải quyết khoảng cách về giới trong trả công lao động, nhất là trong khu vực FDI, nơi mà lương lao động nam vẫn tăng ngay cả khi lương lao động nữ có xu hướng giảm nhẹ.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế thế giới 2018 cũng được dự báo là tốt hơn năm 2017. Các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay cũng đang bắt đầu đi vào vận hành. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa rồi tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn 2017.

“Với một niềm tin như vậy, tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam 2018. Và đề nghị các nhà doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan chức năng… thảo luận, kiến nghị, tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện những thách thức và tìm thấy những cơ hội phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo, để có những quyết sách phù hợp cho phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước” – ông Phòng nhấn mạnh.

TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Từ trái qua phải: Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện Kinh tế và chính trị thế giới; Ông Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính; Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương; TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển với gần 620 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tỉ trọng trong GDP 40%, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.

Ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Thời gian gần đây đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

“Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, ngay từ đầu nhiệm kỳ (ngày 29/4/2016), Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, ngay sau buổi gặp mặt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP”, ông Long cho biết.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp theo đúng tinh thần 10 nguyên tắc đã nêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, một số nguyên tắc quan trọng như: Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Đảm sự nhất quán về văn bản chính sách. Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Không hình sự hoá quan hệ dân sự…

Qua các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp với các UBND các tỉnh cho thấy, nhiều tỉnh thành đã làm tốt việc hỗ trợ cho doanh nghiệp như Quảng Ninh, Đà Nẵng…  Tuy nhiên, cũng có những địa phương mới chỉ để “nằm trên Nghị quyết”, chưa đi vào thực tế. 

“Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề cụ thể”, ông Long nhấn mạnh.

Vì vậy, để thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 5, đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp: Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Ông Long cho biết: Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chuẩn bị được chính phủ ban hành cụ thể trong thời gian gần, đây là điểm đổi mới, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, có những điều khoản hướng dẫn về thuế, chính sách cho doanh nghiệp…

Trong đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. 

Đồng thời, xây dựng chương trình và lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo kênh vốn cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy nhanh việc xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp…

“Mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo quốc gia và nhanh chóng đưa ra giải pháp thí điểm hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm việc mua sắm sản phẩm trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi quy định các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức đúng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, nếu như hiện nay mọi người đang lầm tưởng đây là vai trò của Chính phủ thì dường như xã hội đang hiểu lầm. Với sự tư duy ngủ quên như vậy thì không đúng với bản chất của quá trình tái cơ cấu.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương

Nếu nhìn vào các Nghị quyết TW 5, 27, 24 của Chính phủ thì có rất nhiều nhưng bản chất của tái cơ cấu là thay đổi về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Bản chất của tái cơ cấu, nói một cách ngắn gọn nhà nước thay đổi cách thức can thiệp vào nền kinh tế, giảm bớt các quy định pháp luật.

"Tôi nhìn thấy doanh nghiệp đang có 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng là phát triển kinh tế tư nhân lấy nó làm động lực phát triển kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết. Nhưng cơ hội thứ 2 doanh nghiệp gián tiếp có được là tạo một môi trường kinh doanh giảm được thời gian, chi phí, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn. Cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tăng lên", ông Hiếu nói và cho biết, thách thức lớn nhất là khi môi trường kinh doanh thuận lợi, sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp, và gia tăng sức cạnh tranh nói chung. Khi đó, chính bản thân doanh nghiệp cũng bị sức ép cạnh tranh và nó tàn khốc “như chiến tranh”. Nếu không thay đổi sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.

Do vậy, ông Hiếu cho rằng doanh nghiệp tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Nhiệm vụ của doanh nghiệp nói ngắn gọn tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế.

Vậy DN nên làm gì?. Theo ông Hiếu, Việt Nam bắt đầu có những mầm mống khủng hoảng kinh doanh từ khủng hoảng quản trị doanh nghiệp như câu chuyện lụa tàu vừa rồi. Cuộc điều tra khủng hoảng quản trị doanh nghiệp cho thấy Việt Nam đang ở mức rất thấp.

Một khảo sát nhỏ cho thấy, về định hướng khách hàng: Việt Nam đang đứng ở vị trí 113/128 quốc gia. Quan trọng là nhu cầu của khách hàng, chứ không cần sản phẩm ngon, rẻ, đẹp.. Đây là những kỹ năng đang rất thiếu.

Về khả năng hấp thụ công nghệ: Việt Nam đang xếp thứ 93/128 quốc gia.

Chất lượng các nhà cung cấp: Số lượng cũng yếu, chất lượng cũng yếu,

Phát minh sáng chế, xếp thứ 91/128 quốc gia. Khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới.

Việt Nam muốn gia nhập vị trí cao hơn trên thế giới thì ko thể mãi mãi ko thể xin xỏ các DN nước ngoài liên kết.

Thông điệp ngắn gọn mà ông Hiếu muốn truyền tải tại Diễn đàn là "Ngay từ bây giờ nếu là doanh nghiệp phải quên đi thói quen kinh doanh cảm tính. Để cạnh tranh không thể có cách nào khác phải nâng cao năng lực của mình bằng hoặc hơn đối thủ. Đây là điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải làm để tồn tại".

Theo TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia tài chính ngân hàng, mọi số liệu và dấu hiệu đều cho thấy, môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn 2017.

“Triển vọng phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn, cơ hội cho doanh nghiệp sẽ rất nhiều. Tôi băn khoăn không biết tại sao Chính phủ lại rụt rè cho mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% cho năm 2017. Trong khi đó, mục tiêu 6,7 năm 2017 đã chắc chắn đạt được” - ông Ánh nhấn mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia tài chính ngân hàng

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận định rằng sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là chưa tương xứng. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.

“Trước hết phải khẳng định đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển là trên 40% GDP. Tuy nhiên, có đến 35% GDP trong đó là hộ gia đình cả hộ sản xuất kinh doanh và hộ làm nông nghiệp, 650.000 doanh nghiệp lại chỉ đóng góp 6-7% GDP, đây là chưa tương xứng” - ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng không chỉ trở thành một trong những "bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" mà cũng “thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì đa dạng hóa nguồn lực tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Ánh cho rằng, các nguồn lực tài chính chủ yếu hiện nay gồm thị trường tài chính tiền tệ, định chế tài chính mới, tín dụng ngân hàng và bảo hiểm…. Đối với các định chế tài chính mới chủ yếu được các starup tiếp cận như quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mới, Fintech…Về nguồn vốn tín dụng ngân hang, theo ông Ánh, thực tế hiện nay, ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay nhưng doanh nghiệp vẫn nhiều khi kêu khó vay vốn.

Tuy vậy, ông Ánh cho rằng, các doanh nghiệp nên mở rộng các nguồn vốn ngoài nguồn vốn của ngân hang như vốn trên TTCK, trái phiếu Chính phủ. Năm 2017, TTCK Việt Nam tăng trưởng cao thuộc loại nhất thế giới, sàn Hà Nội tăng trưởng tới 50% và sàn TP HCM cũng tang gần 50%. Quy mô của TTCK cũng tăng khá mạnh. “Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp sẽ tìm được trên TTCK nguồn vốn ngoài các ngân hàng. Vấn đề của doanh nghiệp chính là tiếp cận trên nguyên tắc của thị trường. Tôi hy vọng năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017” – ông Ánh nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế và chính trị thế giớicho rằng, sự thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Trump, quá trình Brexit diễn ra không dễ dàng, những động thái trong nền kinh tế Trung Quốc, một vài dấu hiệu rủi ro trên thị trường tài chính thế giới… được cho là những yếu tố tạo nên bối cảnh của kinh tế thế giới 2018.

Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế và chính trị thế giới

Cụ thể, theo ông Sơn, thứ nhất, hầu hết các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Anh, đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018.

Thứ hai, chính sách thương mại của Trump và tác động của nó. Triết lý “nước Mỹ trên hết” theo đó Trump từ bỏ lối chơi đa phương, từ bỏ TPP, xét lại NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ hơn trước. Thay vào đó, Trump chủ trương chơi theo lối kiểu kinh doanh làm ăn tay đôi, song phương. Cách này giúp phát huy sức mạnh Mỹ theo nghĩa nước khác cần Mỹ hơn là Mỹ cần nước khác, theo cách này sự mặc cả phải cả hai bên cùng có lợi nhưng người Mỹ sẽ có lợi thế hơn.

Tử bỏ Hiệp ước chống Biến đổi Khí hậu Paris vì cho rằng hiệp ước này đã làm ngành than Mỹ chết, điện sản xuất ở Mỹ sẽ ở giá cao hơn gây thiệt hại sức cạnh tranh. Đồng thời, cho phép mở lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone Pipeline-XL nối với Canada vì không chịu sức ép về vấn đề môi trường. Hơn nữa với dự án này, Trump yêu cầu nó phải thuê công nhân Mỹ và mua ống thép của Mỹ nhằm tăng việc làm và thu nhập cho Mỹ.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là việc từ bỏ các hiệp ước đa phương của Trump không phải là chủ nghĩa bảo hộ như nhiều người quy kết, mà chỉ là bỏ lối chơi đa phương thay vào cách chơi song phương mà thôi. Nghĩa là, thương mại và kinh tế thế giới vẫn là toàn cầu hóa và sẽ không bị thu hẹp, nhưng dòng thương mại và dòng vốn sẽ có thay đổi trong hướng đi của chúng.

Rất có thể sẽ tồn tại hai khuynh hướng thương mại thế giới song hành: các hiệp ước FTA song phương (phần nhiều với Mỹ) cùng với các FTA đa phương giữa phần còn lại của thế giới.

Với sức chi phối lớn của Mỹ, nhiều nước sẽ tìm cách có được FTA song phương với Mỹ, trong khi cũng sẵn sang tìm kiếm các đối tác song phương quan trọng của mình cũng như tham gia các FTA đa phương nếu có thể.

Thứ ba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Sơn cho biết, có lo ngại về một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc thặng dư thương mại với Mỹ lên tới hàng trăm tỷ Đôla mỗi năm và kéo dài gần hai thập kỷ khiến Trump tức giận. Ông ta muốn chấm dứt tình trạng này bằng cách dọa sẽ nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 45% và nhiều biện pháp khác nhằm ngăn nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Tuy nhiên, mức độ và thời điểm xảy ra xung đột này sẽ tùy thuộc khá nhiều vào vấn đề Triền Tiên” – ông Sơn nhấn mạnh.

Thứ tư, rủi ro tài chính toàn cầu. Nợ toàn cầu (tính đến tháng 6/2017) lên tới mức kỷ lục 217 nghìn tỷ Đôla, tương đương 327% GDP toàn cầu, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong thập kỷ vừa rồi. Điều này sẽ giảm triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế thế giới, đồng thời đặt hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt rủi ro cao.

Brexit cũng là một mối lo gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu tuy nhiên những tác động tiêu cực hiện nay cho thấy chủ yếu tác động không tốt đến nước Anh trong khi phần còn lại của EU và thế giới ít bị tác động.

Bitcoin đang tạo ra cơn sốt và có lo ngại bong bóng từ đó gây rủi ro cho tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, qui mô hoạt động của Bitcoin còn nhỏ, nhiều nước chưa công nhận thậm chí cấm, vì vậy không cần lo ngại.

Thứ năm, Fed và lãi suất đồng Đôla Mỹ. Theo ông Sơn, khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất là rất cao. Vì mức lạm phát lõi dự báo tăng lên 2,6% cuối 2018 từ mức 2% trong quí IV 2017. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn và hơn nữa đã nằm trong kỳ vọng của các nhà đầu tư, do đó nếu Fed thực sự nâng lãi suất thì cũng không gây sốc trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đối với Việt Nam cũng vậy, Fed có tăng lãi suất thì cũng chưa tác động nhiều vì lãi suất VND vẫn cao hơn nhiều, dự trữ ngoại hối đủ lớn khiến NHNN có khả năng kiểm soát tốt tình hình.

Trước bối cảnh thế giới dự báo năm 2018 như vậy, ông Sơn cho rằng sẽ có tác động nhất định đến Việt Nam, trong đó có DN Việt.

Việt Nam là nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu nên sẽ được hưởng lợi từ triển vọng tốt của kinh tế thế giới trong năm 2018. Việc Mỹ từ bỏ TPP làm mất một số lợi thế cho Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp VN cần lưu ý tình trạng bị lợi dụng khi VN tham gia vào các hiệp ước FTA cả song phương hay đa phương. Sự kiện nghi vấn nhôm và thép của Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ là một ví dụ.

Cũng chính từ đây nhiều nghi vấn được đặt ra là doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp của Trung Quốc được lợi nếu TPP trở thành hiện thực.

Điều này cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nếu việc bại lộ không chỉ có các doanh nghiệp vi phạm bị phạt và các doanh nghiệp khác có thể bị trừng phạt lây.

“Trong bối cảnh thay đổi của thương mại thế giới khi Mỹ bỏ lối chơi đa phương, các doanh nghiệp Việt muốn giữ được thị phần ở Mỹ thì phải nâng chuẩn của mình lên bởi vì ưu thế mặc cả tay đôi của Mỹ cao hơn trước, do đó, tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ cũng sẽ cao hơn.

Đồng thời, các doanh Việt Nam cần phải tự nâng kỷ luật kinh doanh nhằm tránh bị kiện tụng và/hay bị trừng phạt ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU,...” – ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình tỏ ra lạc quan cho rằng xu hướng kinh doanh năm 2018 có chiều hướng tích cực bởi xu hướng niềm tin vào môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình.

Ông Vẻ dẫn chứng, trong năm 2017 hàng chục hiệp định thương mại tự do ký kết với các nước được thực hiện và những cam kết của các nhà đầu tư sau hội nghị APEC Đà Nẵng với nhiều dự án giá trị nhiều tỷ đô la Mỹ được ký kết. Bên cạnh đó là sự nóng dần lên với những ý tưởng khởi nghiệp ở nông thôn do các sinh viên khi ra trường lựa chọn khởi nghiệp kinh doanh với nhiều mô hình kinh tế khác nhau từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi sản xuất đến mở xưởng cơ khí, cho đến dịch vụ ăn uống, thương mại, điện tử, y tế, giáo dục.

Theo ông Vẻ, có rất nhiều mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp, thương mại dịch vụ thành công và rất nhiều mô hình kinh tế tuy quy mô còn nhỏ nhưng ý nghĩa xã hội lớn và thành công nhân ra diện rộng như mô hình trồng rau, nuôi cá, trang trại, vườn, ao, chuồng, nuôi gà, ấp trứng đến máy cày, máy bơm thành công và hiệu quả cao, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp khác trong lĩnh vực thương mại điện tử, tin học, phần mềm sáng tạo, dệt, may nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch, nhiều mô hình khởi nghiệp đã vươn ra thế giới như xuất khẩu phần mềm sáng tạo có thể nói chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh đa dạng như hiện nay và tương lai phát triển mạnh hơn rất nhiều.Đặc biệt nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phục hồi sau khủng hoảng đang có tín hiệu tích cực cho năm 2018 như xuất khẩu dầu khí tăng giá, dệt, may thương mại dịch vụ, nông sản thực phẩm… tạo sự bứt phá phát triển năm 2018.

“Từ các yếu tố trên góp phần đưa Việt Nam tăng bậc xếp hạng với các nước. Năm 2018 nhiều cải cách trong quá trình thực hiện nếu hoàn thiện thì môi trường và xu thế kinh doanh ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp” – ông Vẻ khẳng định.

Tại phiên thảo luận, ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Thành phố Hà Nội cho biết, những ý kiến của các chuyên gia hôm nay có hàm lượng thông tin rất lớn để những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có những thông tin cần thiết cho việc hoạch định chính sách chiến lược cho doanh nghiệp của mình trong năm tới. Ông Thắng rất tâm đắc với ý kiến thẳng thắn của ông Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế và chính trị thế giới.

 

Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Thành phố Hà Nội

Là một người trong ban tổ chức Techfest 2017 vừa diễn ra, ông Thắng cho rằng, gần 100 gian hàng tại triển lãm được xem là tiêu biểu và họ cũng có các chiến lược về thị trường riêng. Đây là điểm đáng mừng và tự hào cho phong trào đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Ông Thắng cũng bày tỏ rằng: "Trong xu hướng chung của thị trường trong nước và thế giới, chúng tôi cũng tập trung vào ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, khi chúng tôi sáng tạo, triển khai ứng dụng công nghệ cao vào thì chịu rất nhiều rủi ro về thời gian, chi phí, con người. Song tất cả những điều đó khi triển khai thực tế thì “về mo” hết; bởi khi vào thực tế thì khó khăng trong vấn đề không có giấy phép kinh doanh, không có thị trường…

Ví dụ, chúng tôi sử dụng công nghệ nano triển khai vào sản xuất nhưng trong thực tế ở Việt Nam khi thực hiện lại rất khó khăn. Điều này đã làm thui chột rất nhiều các nhà khoa học và nói thật chúng tôi không dám làm nữa!. Tôi hy vọng các vị diễn giả ở đây cũng có tầm ảnh hưởng sẽ góp tiếng nói để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sáng tạo". - ông Thắng nói.


Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương

Trả lời vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện  trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, "khi tôi lấy ví dụ về các gian hàng Techfest tính thị trường chưa cao thì mong chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Nếu cách tiếp cận khoa học bài bản hơn thì các doanh nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều. Ông Hiếu cho rằng, doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải nâng cao tính thị trường, sự sáng tạo, từ ý tưởng đến sản phẩm…".

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, thể chế là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Lấy ví dụ một nhà sản xuất bánh cốm đã phải bán cả nhà để ra mẫu bánh cốm, nhưng khi ra thị trường, các nhà máy làm bánh họ có dây chuyền thì họ sẵn sàng làm ra luôn và lập tức “bóp chết” bánh của nhà sản xuất khai sinh ra.

Do đó vấn đề thể chế là vô cùng quan trọng. Ông Sơn cho rằng, trước khi các doanh nghiệp dự định sáng tạo hoặc đưa ra một ý tưởng gì thì hãy làm một việc cụ thể đó là tìm hiểu những điều kiện về thị trường, tài chính, thể chế về vấn đề đó và xem có gặp trường hợp gì khó khăn hay không rồi hãy thực hiện.

Đối với vấn đề thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi những năm gần đây, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và XNK (APROCIMEX) thấy doanh nghiệp đã được Chính phủ xác định là trọng tâm, các chính sách, bước đi rất quyết liệt, các cải cách thuế và hải quan có chuyển biến trong năm 2017 vừa qua. Trước đây, một tàu trả hàng phải mất đến 7 ngày để hoàn trả hàng, nay đã rút ngắn còn 72 tiếng. Về thuế đã chuyển sang kê khai điện tử và đã giảm thanh kiểm tra.


Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và XNK (APROCIMEX)

Theo ông Lý, đứng trước những thuận lợi như vậy, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Thứ nhất, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn. Vốn đâu ra để thực hiện ý tưởng trong nền kinh tế không có tích luỹ tư bản chủ nghĩa, doanh nghiệp tư nhân đi lên từ hai bàn tay trắng? Do đó, doanh nghiệp gặp khó là không có vốn. Muốn đề ra những kế hoạch phát triển nhưng doanh nghiệp lại gặp khó nhất về nguồn vốn. Đây là câu hỏi cho chính sách?

Thứ hai là về chính sách, rủi ro chính sách hiện lớn hơn cả rủi ro về thời tiết. Làm doanh nghiệp sợ nhất là rủi ro tài chính. Ví dụ như BOT cực nhiều rủi ro, cho nên, những chuyên gia và nhà hoạch định chính sách khi tham gia bàn thảo với Chính phủ để xây dựng chính sách, đừng có những quy định trước bị vô hiệu hoá rất nhanh, làm doanh nghiệp trở tay không kịp.

Thứ ba, về vấn đề thị trường, trong khi thế giới là thị trường mở thì thị trường của chúng ta còn tủn mủn, việc xúc tiến, hỗ trợ phát triển thị trường được giao cho Bộ Công Thương chưa ổn, thậm chí chưa có những sản phẩm mũi nhọn cho từng thị trường mũi nhọn.Hay như Luật cho chăn nuôi, hiện có đến 3 luật chăn nuôi.

Còn theo ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, căn cứ vào các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Hansiba đã có chủ trương đề xuất và gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc đề xuất tiếp cận nguồn vốn ODA từ các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Mỹ. Đồng thời gặp gỡ các tổ chức tài chính nước ngoài để vay hoặc mua sản phẩm của họ. Cộng đồng doanh nghiệp trong đó có Hasiba thông qua VCCI tiếp tục đề xuất báo cáo Chính phủ về gói tài chính này.

Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội

Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính cho biết, với quy định hiện nay thì vấn đề này không khả thi. Vấn đề quản lý nợ công do 3 Bộ quản lý thì ODA nằm ở quản lý của Bộ KHĐT. Có trường hợp DN ngoài nhà nước được tiếp cận nguồn ODA nhưng rất hiếm, không phải đi trực tiếp mà đi qua kênh trung gian.

Nhưng Luật Quản lý nợ công mới vừa được thông qua thì tính khả thi rất nhiều. Sự thay đổi về quyền, trách nhiệm và cách thức quản lý nợ công, nợ nước ngoài khi tập trung về Bộ Tài chính sẽ thuận lợi hơn khi quyền và trách nhiệm tập trung về 1 nơi, tránh tình trạng hiện nay quyền ai cũng nhận nhưng trách nhiệm thì đổi cho người khác. Khi là một đầu mối thì chắc chắn có triển vọng và đây sẽ là xu hướng chung trong thời gian tới.

Theo Nhóm Phóng viên thời sự