Bộ TT&TT phải gương mẫu xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng biểu dương toàn ngành TT&TT đã nỗ lực, sáng tạo, có những chuyển biến, tiến bộ rất toàn diện, rõ nét. Đóng góp rất tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận, tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Điển hình là đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam tăng 14 bậc năm 2017, trong khi trước đây chỉ tăng một vài bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo WIPO (Liên Hiệp quốc) tăng 12 bậc (từ 59 lên 47). Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55). Các chỉ số này tăng đều không thể thiếu được sự đóng góp của ứng dụng CNTT.

Tốc độ tăng trưởng của ngành TT&TT không chỉ ở các lĩnh vực truyền thống như viễn thông, CNTT, bưu chính mà xuất bản, in vốn rất khó khăn nay cũng phát triển ấn tượng.

Nhiều việc đã được Bộ TT&TT triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính” như đổi mới đào tạo nhân lực CNTT, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, khai trương mạng 4G, quản lý báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở…

Phó Thủ tướng nhất trí với 5 phương hướng, nhiệm vụ lớn của Bộ TT&TT trong năm 2018, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển TT&TT; Nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, kinh tế tri thức và vai trò của TT&TT trong toàn xã hội; Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; Đổi mới tổ chức, nâng cao trình độ quản lý, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TT&TT.

Ảnh: VGP/Đình Nam

 Khi triển khai các nhiệm vụ của năm 2018, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT phải “gương mẫu, thiết thực và tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia vào hoạt động của mình”.

Đơn cử về báo chí, Bộ TT&TT cần quản lý thật tốt các cơ quan báo chí trực thuộc hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động năng động nhất nhưng nếu có sai phạm thì xử lý kịp thời nhất. Đồng thời, sắp xếp, quy hoạch tốt các cơ quan báo chí thuộc quản lý của Bộ để các bộ ngành, địa phương làm theo.

Trong ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT phải đi đầu thực hiện xử lý hồ sơ, công việc hoàn toàn trên máy tính, môi trường mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông giữa tất cả các đơn vị trong Bộ; đi đầu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 3-4.

Khẳng định vai trò quan trọng của xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng tin tưởng Bộ TT&TT và các đơn vị trực thuộc liên thông được dữ liệu với nhau, liên thông với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ thì các bộ khác sẽ làm theo được.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Cơ sở dữ liệu tại bộ ngành phải mở cho các địa phương tra cứu và sử dụng. Nếu dữ liệu đủ rồi, địa phương không làm nữa, nếu thiếu thì bổ sung, xây dựng thêm. Liên thông cơ sở dữ liệu thực hiện theo mô hình hình chóp. Các đơn vị trực thuộc chuyển về cho Bộ, sẽ có đơn vị chuyên môn xử lý việc liên thông ngang. Các bộ ngành, địa phương chuyển về cho Chính phủ và Bộ TT&TT thực hiện liên thông.

“Các đồng chí không được làm cơ sở dữ liệu ‘chay’, không mua máy ‘chay’ mà gắn với dịch vụ cụ thể, thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT. Bộ TT&TT cũng phải đi đầu trong thuê dịch vụ CNTT. Bộ làm được thì sẽ hướng dẫn được cho các bộ ngành, địa phương khác”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho một số đơn vị xuất sắc thuộc Bộ TT&TT. Ảnh: VGP/Đình Nam

 Cũng với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ TT&TT phải có tầm nhìn xa, chiến lược phát triển đồng bộ nhưng khi triển khai công việc thì rất thiết thực, cụ thể theo kiểu “làm mô hình tốt để nhân rộng”.

“Chẳng hạn đối với dịch vụ 4G, nếu không có băng tần, không có chính sách cước phí tốt thì không bảo đảm chất lượng 4G, không khuyến khích được người sử dụng. Tương tự với từng địa phương, từng lĩnh vực ngoài những tiêu chí, chính sách chung cần lưu ý Hà Nội, TPHCM khác với Sơn La, Điện Biên; xây dựng thành phố thông minh khác như thế nào so với giao thông, nông nghiệp, du lịch thông minh”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, huy động toàn xã hội tham gia vào công việc của Bộ TT&TT bởi “đây cũng là một chức năng của Bộ”.

Theo đó, Bộ TT&TT cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Bộ cần tạo môi trường, các “hệ sinh thái” trong lĩnh vực CNTT, truyền thông, bưu chính, viễn thông... sao cho từ những doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, Mobifone... đến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chỉ có 1-2 người đều có thể tham gia được.

 Một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2018

- Tập trung xây dựng, hoàn thành theo đúng kế hoạch các văn bản được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ.

Đẩy mạnh chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.

- Tăng cường quản lý báo chí, phóng viên, văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại địa phương; không để xảy ra tình trạng thông tin sai sự thật, sách nhiễu doanh nghiệp, người dân.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng Internet, quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích phát triển các dịch vụ nội dung do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp; giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc hại trên Internet, mạng xã hội.

Chỉ đạo phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững. 

- Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

Tăng cường thực hiện công tác cảnh báo, hỗ trợ các đơn vị đảm bảo an toàn thông tin mạng, phòng chống các nguy cơ mất an toàn thông tin.

- Phát triển thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, tăng cường hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển các dịch vụ bưu chính phục vụ cho Chính phủ điện tử, thương mại điện tử.

 Cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Theo Đình Nam(Báo chính phủ)