Chính sách tài chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Hải quan
Cán bộ, công chức Hải quan tại Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) xử lý thông tin hàng hóa trên hệ thống điện tử.

Điện tử hóa hầu hết các lĩnh vực

Bộ Tài chính đã bám sát những nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (NQ 35) về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả NQ 35, theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN.

Trong đó, rõ nét nhất là các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, kết hợp phương thức thanh toán điện tử của ngành Tài chính.

Về hoàn thuế điện tử, từ trung tuần tháng 4/2017, Bộ Tài chính đã triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bằng phương thức điện tử. Cùng với đó, trong giai đoạn cuối năm 2017, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử. Tính đến cuối tháng 10/2017, gần 7.000 DN tham gia dịch vụ hoàn thuế điện tử và ngành Thuế đã giải quyết 3.987 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn theo phương thức điện tử là  22.057,7 tỷ đồng. Ước tính đến ngày 31/12/2017, 100% DN thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử.

Ngoài việc hoàn thuế GTGT điện tử, ngành Thuế thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh; chuẩn bị thí điểm nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy. Đến nay, đã có 147 chi cục thuế thuộc 14 cục thuế tham gia thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. Kết quả thu ngân sách nhà nước đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán tại các đơn vị thí điểm thực hiện ủy nhiệm thu thuế đạt 111% so với số thuế giao ủy nhiệm thu thuế và bằng 107% so với số thu cùng kỳ (khi chưa giao ủy nhiệm thu thuế), góp phần giảm tỷ lệ nợ thuế. Dự kiến từ quý II/2018, sẽ triển khai mở rộng ủy nhiệm thu thuế trên toàn quốc.

Đối với ngành Hải quan, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan hải quan, đồng thời chủ động kiến nghị, phối hợp các bộ quản lý chuyên ngành ban hành nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành và công bố Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và quy trình thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Về thu thuế điện tử, đến nay, Tổng cục Hải quan đã ký kết với 36 ngân hàng thương mại (NHTM), số thu chiếm 90% số thu ngân sách của cơ quan hải quan, giảm thời gian từ 2 ngày xuống còn 15 phút. Cùng với đó, ngành Hải quan cũng triển khai chính thức Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ 23/10/2017 với 5 NHTM tham gia (trong số 36 ngân hàng nêu trên). Dự kiến đến hết tháng 12/2017 sẽ có thêm 6 NHTM tham gia, nâng tổng số lên 11 NHTM tham gia triển khai đề án.

Từ ngày 1/3/2017, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được triển khai trên Cổng thông tin điện tử hải quan, đưa số lượng DVCTT tối thiểu mức độ 3 lên 126/178 thủ tục hành chính (TTHC) (đạt 70% số lượng TTHC), trong đó có 123 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. Tính đến ngày 15/11/2017, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 59.700 bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của hơn 10 nghìn cá nhân, DN...

Được cộng đồng DN đánh giá cao

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN và người dân phát triển sản xuất kinh doanh của ngành Tài chính đã được minh chứng bằng kết quả cụ thể.  Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, trong đó thời gian thông quan tại biên giới đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ, chi phí thực hiện thủ tục tại biên giới giảm 19 USD; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2017, WB xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thứ bậc 68/190, tăng 14 bậc so với năm trước, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Ngoài ra, những diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy môi trường kinh doanh đã có nhiều khởi sắc. Tính đến ngày 19/12, chỉ số VN-Index ở mốc 951,42 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ đến ngày 19/12/2017 đạt 3.360 nghìn tỷ đồng (tương đương 74,6% GDP) - mức cao nhất từ khi thành lập thị trường, tăng 73% so với cuối năm 2016. Theo Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report), giá trị vốn hóa thị trường Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2017 với tỷ lệ 61%...

Tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017,  ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính. Ông khẳng định, Bộ Tài chính luôn đi đầu trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách TTHC thuế, hải quan theo tinh thần nghị quyết của Chính phủ, hỗ trợ DN phát triển.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; phù hợp với cam kết quốc tế và xu hướng phát triển, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa ngành Tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan đáp ứng mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP; rà soát, bổ sung các giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển DN.

Bộ Tài chính rà soát một số quy định để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ, phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN. Bộ đã dự thảo 17 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25%; cá biệt một số khoản phí có mức giảm lớn hơn. 
Tính đến 15/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành được 8/17 thông tư.
 
Theo Minh Anh(Thời báo tài chính)