Khởi nghiệp: Đừng nghĩ có ý tưởng là xong!

Tinh thần đồng đội

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia thương hiệu, nhận định: sau khủng hoảng kinh tế cách đây mười năm, người tiêu dùng chia thành hai phân khúc, trong đó sản phẩm phải thật sự mang đến giá trị, trải nghiệm, cá nhân hoá rất đặc biệt mới có thể bước vào phân khúc cao cấp.

khoi nghiep: dung nghi co y tuong la xong! hinh anh 1

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân trao đổi với các bạn trẻ khởi nghiệp.

Quả vậy, công nghệ làm thay đổi cách mua hàng, cách đóng gói và cả lựa chọn từ đặt hàng thông minh, chế biến thông minh... Những bài học này được Ngô Chí Công ứng dụng tối đa khi làm ra sản phẩm trang trí nội thất, sản phẩm lưu niệm, tranh mỹ thuật, thời trang từ sen.

Minh Thuỳ, học ngành sinh học, cho “ra đời” tinh dầu từ vỏ quýt, cam, tinh dầu hoa hồng, nói rằng khi trưng bày sản phẩm Thuỳ luôn nghĩ tới vật liệu của Senta. Huỳnh Như, người khôi phục làng nghề dệt khăn rằn theo góc nhìn khác biệt cũng chọn cách liên kết cộng hưởng cho sản phẩm startup của Đồng Tháp. Cách đây ba năm, các bạn trẻ chưa hình dung đường đi tới của mình, họ không nhìn thấy nhau dù có cùng hộ khẩu trên đất sen hồng.

Công hình dung câu chuyện của lớp trẻ khởi nghiệp từ cuộc thi Dự án khởi nghiệp do trung tâm BSA tổ chức trong năm 2017, có bốn bước. Một, rà soát tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp; hai, liên kết theo chuỗi; ba, mở rộng đối tác phát triển ngành hàng (vượt địa giới hành chính); và bốn, thiết kế có hệ thống mạng lưới từ nền tảng sản phẩm, công nghệ, liên kết nguồn lực, phát triển thành mạng lưới SME.

Mệnh danh “tàu phá băng” mở đường cho sen, Công ứng dụng công nghệ sấy làm ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, kể hành trình của các bạn làm trà lá sen, trà tim sen, hạt sen tươi, sấy, bột hạt sen; dưa thân sen, dưa củ, dưa ngó sen, tinh dầu sen, nước chưng cất hoa sen, xà bông sen; hoa sen, lá sấy khô, làm tranh nghệ thuật, quà tặng lưu niệm từ sen. Với ý tưởng dùng tơ sen dệt khăn, những ý tưởng sáng tạo bộ sản phẩm từ nguyên liệu bản địa sen gần như khép kín. Các tỉnh khác dù dốc sức phát triển sen, muốn “qua mặt không bóp kèn” nhưng vẫn lục tục chạy theo sau.

Võ Văn Tiếng, Công, Thuỳ, Như, nay có thêm Thuỷ vỏ bưởi, lập nhóm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, chia sẻ thông tin, liên kết sử dụng sản phẩm “chéo” của nhau trong mọi cơ hội giao tiếp đã trở thành thế mạnh của lớp khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

“Đi theo tích hợp luôn tốt hơn đánh lẻ, rời rạc”, Công nói cách làm này đang mở ra triển vọng liên kết với các nhóm khởi nghiệp khác ở An Giang, Bến Tre. Cái lợi khi liên kết với nhau là những khó khăn – thuận lợi, cơ hội – rủi ro, các khiếm khuyết trên đường đi được phân tích và cùng tìm cách vá các “lỗ hổng”, nhờ đó có thể bù đắp, hoàn thiện đội hình.

Từng du học ở Pháp và là lớp khởi nghiệp có cơ hội thành công từ năm thứ hai, và là đầu mối tập hợp câu lạc bộ du học sinh từ nước ngoài trở về, Công hiểu trong lớp trẻ có người được may mắn học hành tới nơi tới chốn và anh em vì hoàn cảnh phải dừng lại ở bậc trung học, phải cùng nhau phá vách ngăn để thoát khỏi cảnh tự trói mình và cùng nhau đi xa hơn.

Phá vách ngăn nhận thức

Trong khi đó, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp mang tên “Mekong Startup” do VCCI Cần Thơ xây dựng nhắm tới năm mục tiêu: một, hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016 – 2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại TP Cần Thơ đến năm 2020; hai, tạo dựng 1.000 doanh nghiệp (DN) mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến năm 2020; ba, giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các DN khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp; bốn, hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), trung tâm Ươm tạo DN khoa học và công nghệ – trường đại học Cần Thơ và các khu ươm tạo khác; năm, hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế trong giai đoạn 2016 – 2020 và 500 bằng sáng chế giai đoạn 2020 – 2030.

Chương trình này có ý nghĩa công phá vách ngăn nhận thức trong suy nghĩ của nhiều vị chức sắc, cho rằng hễ thành lập DN là khởi nghiệp, nhập cuộc có sổ bộ thuế là khởi nghiệp. Khi cần thì chỉ việc nâng DN tư nhân lên công ty, kêu gọi các tổng công ty nâng chi nhánh lên thành công ty con là sẽ có một đội hình DN hùng hậu.

Trong một phân tích của TS Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 30.000 DN đang hoạt động – chiếm 7,7% tổng số DN cả nước, số DN tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10% – bằng một nửa tốc độ tăng trung bình của cả nước. Một trong những nguyên nhân khiến DN ĐBSCL chưa tạo được năng suất cao trong sản xuất là do tăng trưởng không đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung.

Ông Dũng phân tích bất cập trong cấu trúc DN: 43% DN thương mại, 20% DN công nghiệp chế biến, 15% DN xây dựng. DN nông nghiệp, thuỷ sản chỉ chiếm hơn 6%, vận tải khoảng 4%. Nhóm DN có công nghệ thấp chiếm tới hơn 75% và có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhóm ngành công nghệ trung bình chiếm khoảng 20%, nhóm ngành công nghệ cao chỉ chiếm hơn 2%.

“Đặc biệt, khu vực này đang thiếu hụt một đội ngũ doanh nhân, DN hùng mạnh cả về số lượng và chất lượng”, ông Dũng báo động.

Sự tình là vậy, nhưng khi dự án KVIP có tổng vốn đầu tư 21,13 triệu USD, trong đó, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong ba năm hoạt động cũng chỉ tiếp nhận và ươm tạo được hai DN.

Cuối năm 2017, nhóm khởi nghiệp Đồng Tháp có tin vui khi dự án Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp của Võ Nguyễn Công Sơn (Đồng Tháp), đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017 do VCCI tổ chức.

Công Sơn đã có nhiều bài học hơn sau vòng chung kết Dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp do trung tâm BSA tổ chức, có sự trợ giúp của nhóm startup Đồng Tháp để tới cuộc thi này. Bài học từ lớp khởi nghiệp là tinh thần đồng đội, “máu lửa” theo đuổi, thực thi đến cùng ý tưởng sáng tạo. Những con người đó hứa hẹn tạo ra giá trị mới, bứt phá khỏi hệ luỵ coi bộ thu cao hơn giá trị sáng tạo. Hệ luỵ đó định tính sản xuất từ nguồn tài nguyên nội sinh èo ọt, định lượng nhóm công nghệ cao trong đội hình không quá 2%. 

Theo Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)(Dân Việt)