Kiến nghị mở rộng quyền lợi đối với BHXH tự nguyện

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Nghệ An cho rằng việc tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất là chưa phù hợp, chưa thu hút được số lượng người tham gia.

Cử tri kiến nghị cần mở rộng quyền lợi đối với loại hình BHXH này (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) nhằm đảm bảo tính bình đẳng với loại hình BHXH bắt buộc.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Nghệ An như sau:

Luật BHXH quy định 2 loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH bắt buộc áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 1/1/2018 là hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên) với các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. BHXH tự nguyện áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Do người lao động tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là nông dân, người tự tạo việc làm, không có quan hệ lao động, mức thu nhập tháng thấp, không ổn định nên chỉ áp dụng chế độ hưu trí và tử tuất, không tham gia và đóng BHXH cho chế độ ốm đau, thai sản. Quy định này phù hợp với thực tiễn của nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và khả năng quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH.

Các chế độ BHXH ngắn hạn nói chung (chế độ ốm đau, thai sản) được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc chia sẻ rất lớn, mọi người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều phải đóng góp vào quỹ (do người sử dụng lao động đóng) để giải quyết cho người lao động hưởng chế độ khi ốm đau, thai sản. Nếu áp dụng tự nguyện đối với các chế độ này thì sẽ không thực hiện được nguyên tắc chia sẻ này. Theo tính toán cân đối thu chi cho từng cá nhân thì với tỷ lệ đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản của BHXH bắt buộc thì một người lao động phải đóng trong khoảng 20 năm mới đủ chi trả cho chế độ thai sản (chưa tính hưởng chế độ ốm đau). Do đó, việc đề xuất áp dụng chế độ ốm đau, thai sản đối với chính sách BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc là chưa đủ cơ sở và không có tính khả thi.

Chính vì vậy, chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ của chế độ hưu trí, đảm bảo cuộc sống của người lao động khi về già, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang được giao nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Hội nghị lần thứ 7 (tháng 5/2018). Chính sách BHXH tự nguyện sẽ tiếp tục được đánh giá, đề xuất nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách này.

Theo Chinhphu.vn