TS.Đoàn Duy Khương: Hợp tác đa phương cần được ưu tiên


TS. Đoàn Duy Khương: "Việt Nam đang có một chương trình hội nhập hết sức đa dạng, nhưng những chính sách này cần theo hướng trọng tâm và có ưu tiên trong bức tranh toàn cảnh của Việt Nam".

Đó là một trong 2 ý kiến đóng góp của TS. Đoàn Duy Khương- Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế lần thứ nhất năm 2018.

Theo TS. Đoàn Duy Khương, Việt Nam đang có một chương trình hội nhập hết sức đa dạng, làm bạn với tất cả các nước trong nhiều chương trình hợp tác như ASEM, APEC, CPTPP, WTO, ASEAN…, nhưng những chính sách này cần theo hướng trọng tâm và có ưu tiên trong bức tranh toàn cảnh của Việt Nam.

“Dù muốn hay không, bên cạnh sự hợp tác song phương với các nước lớn như Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ thì chương trình hợp tác đa phương cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần được ưu tiên”, TS. Đoàn Duy Khương nói.

TS. Đoàn Duy Khương cho rằng, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo nên ưu tiên cho những thị trường như ASEAN. Bởi với ASEAN, chúng ta không chỉ hội nhập về kinh tế mà còn có cả xã hội cũng như an ninh, quốc phòng; đảm bảo một cách toàn diện sự phát triển bền vững cho đất nước. Bên cạnh hợp tác về đầu tư và thương mại thì còn có cả hợp tác về lao động. Thêm vào đó, ASEAN có cơ chế không chỉ trong nội khối, mà còn mở rộng ra với các đối tác khác như ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN – EU,… Do đó, khi Việt Nam hợp tác tốt với ASEAN thì sẽ hợp tác tốt với các chương trình cụ thể trên thế giới.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh như vậy thì rất cần có sự lồng ghép như thế nào đó trong việc nghiên cứu thị trường để cho các doanh nghiệp có thể phát triển tốt hơn”, TS. Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.

Về đàm phán, theo TS. Đoàn Duy Khương, rất ghi nhận những đóng góp của tổ công tác đàm phán. Tuy nhiên, trong đàm phán có 3 vấn đề cần lưu ý. Một là những chương trình đàm phán đã thành công thì cần phải tăng cường chất lượng sau đàm phán. Vì đàm phán xong nhưng trong quá trình triển khai vẫn thường bị vướng những vấn đề khác nhau. Do đó, nếu có vướng mắc sau đàm phán, thì tổ đàm phán hỗ trợ các doanh nghiệp cùng giải quyết.

Hai là những chương trình đang đàm phán thì cần kết thúc nhanh chóng, sau đó nên mở rộng thị trường mới cho các doanh nghiệp.

Ba là trong cạnh tranh hiện nay không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp ngành, cấp sản phẩm. Vì vậy rất cần xác định rõ ngành nào cần ưu tiên phát triển và có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Còn về phía VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, TS. Đoàn Duy Khương cho rằng, hệ thống xúc tiến thương mại đã đến lúc cần thay đổi. Vì sự liên kết giữa các ngành còn nhiều bất cập, khả năng hàng hóa Việt Nam cạnh tranh kém một phần do thiếu sự liên hết giữa các ngành nghề với nhau để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có đủ khả năng cạnh tranh.

“Cạnh tranh ngày nay không chỉ là giá cả, mà chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa sản xuất mới là yếu tố quyết định. Nếu không liên kết được thì không thể xuất khẩu và thực hiện tốt chương trình hội nhập kinh tế quốc tế”, TS. Đoàn Duy Khương bày tỏ.

Theo Nguyễn Việt(Báo DĐ DN)