Chủ tịch VCCI: Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ trọng yếu

Chiều ngày 22/1, Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Hà Nội.


Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.

Cốt lõi là tăng năng suất

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, vấn đề năng lực cạnh tranh đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ tại các nền kinh tế của các quốc gia. “Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đang được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất là nhiệm vụ trọng yếu, vấn đề nâng cao năng suất được xác định là nội dung có tính quyết định của việc phát triển nền kinh tế Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Theo đó, Chủ tịch VCCI cho biết, khái niệm năng lực cạnh tranh đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau, có cách xoay quanh thương hiệu, thị phần, năng suất, mức sống, chất lượng thể chế...Như vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực cạnh tranh. Bản chất của năng lực cạnh tranh cũng có nhiều cách hiểu đa dạng. 

“Tuy vậy, qua nghiên cứu của VCCI, cách nghiên cứu năng lực cạnh tranh thông qua năng suất đang được sử dụng phổ biến. Bởi năng suất là yếu tố động lực cốt lõi thể hiện sự khác biệt về năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

TS Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, Báo cáo Việt Nam 2035 đã đi theo quan điểm này, theo đó tiếp cận năng lực cạnh tranh theo vấn đề năng suất. “Chúng tôi nhận định cách tiếp cận này là hợp lý, như câu nói của Mác Lê Nin “suy cho cùng một chế độ này có chiến thắng một chế độ khác hay không là có mang lại năng suất lao động cao hơn hay ko". Việc chúng ta quan niệm về năng lực cạnh tranh xuất phát từ năng suất, đề xuất giải pháp nâng cao năng suất tại Việt Nam cũng là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI).

Mặc dù xếp hạng về năng lực cạnh tranh tăng lên, nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ tương đương 87% của Lào, TS Vũ Tiến Lộc nhận định đây là vấn đề lớn. Cùng với đó, thương hiệu gạo của Việt Nam đang thua thương hiệu gạo của Campuchia, mặc dù đây là hai nước kém phát triển trong khu vực. 

Tiêu chí của năng lực cạnh tranh nền kinh tế có nhiều yếu tố. “Do đó, chúng tôi đề xuất xây dựng khung phân tích về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, có sự tham khảo các bộ tiêu chí trên thế giới, vì nó tuỳ thuộc vào yếu tố kinh tế và lợi thế của Việt Nam. Với mục tiêu chính không phải xếp hạng mà đưa ra giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của Việt Nam”,TS Vũ Tiến Lộc nói.

Thực tế, những thảo luận về phát triển kinh tế vẫn tập trung nhiều vào các vấn đề vĩ mô. Do đó, nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cần tập trung vào 3 cấp độ vĩ mô (thể chế chính sách), trung mô (sự phát triển của hàng hoá dịch vụ), vi mô (quản trị doanh nghiệp).

"Bình dân học vụ" cho doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI đề xuất tiến hành nghiên cứu thảo luận với 6 vấn đề cần được chú trọng. Trong đó có ba vấn đề thuộc vĩ mô và trung mô. Thứ nhất là thể chế chính sách, Chính phủ hiện đã có những hành động quyết liệt về cải cách luật pháp và cải cách thủ tục hành chính. Thứ hai, chính sách công nghiệp và sự phát triển của các thị trường, hiện nay chính sách công nghiệp chưa hiệu quả, chưa có tính chất dẫn dắt nền kinh tế. “Ví dụ năng lượng được coi là bánh mì của công nghiệp nhưng chúng ta hiện chưa tạo được thị trường cạnh tranh cũng như không tạo điều kiện cạnh tranh cho lĩnh vực năng lượng này”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Thứ ba là chuyển giao dịch vụ công. Thứ tư là cổ phần hoá và tái cấu trúc DNNN là nhu cầu quan trọng vì các doanh nghiệp nhà nước hiện hoạt động không hiệu quả.

Thứ năm, chuyển dịch các hoạt động trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đây là yếu tố then chốt vì 40% GDP vẫn trong khu vực nông nghiệp, 60% lao động trong khu vực này, nếu chuyển dịch đc là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng cao năng suất.

Thứ sáu, là chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, khu vực cá thể năng suất thấp, khi chuyển đổi cũng là hướng tới nâng cao năng suất lao động tại nước ta. 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, về vi mô, tức là cấp doanh nghiệp, đây là vấn đề lớn của Việt Nam, cần chương trình “bình dân học vụ” nâng cao năng lực quản trị cho các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là chủ nhân của nền kinh tế thế giới, đặc biệt với sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

“Quá trình nghiên cứu này đã được gắn với các hoạt động của VCCI thông qua các nghiên cứu, đánh giá đưa ra 4 bộ chỉ số, đơn cử như về chỉ số năng lực cạnh tranh các địa phương (PCI) đã “xuất khẩu” đi 11 nước trên thế giới. Đây là động lực cho sự nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và doanh nghiệp”,TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo Thy Hằng- Cẩm Anh(Báo DĐ DN)