VCCI: Cần làm rõ quy định thời gian xuất hóa đơn


VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm giao hàng.

Điểm a, khoản 3, Điều 6 Dự thảo quy định "ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.

Theo VCCI, các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm xuất hóa đơn nên là “thời điểm giao hàng” (trên thực tế là thời điểm xuất kho hàng hóa để giao hàng cho người mua). Điều này cũng phù hợp với quy định về hóa đơn, chứng từ với hàng hóa vận chuyển trên đường. Cần lưu ý rằng, thời điểm giao hàng và thời điểm chuyển giao quyền sử dụng hoặc sở hữu là khác nhau trong nhiều trường hợp và hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán.

Mặt khác, VCCI cho rằng việc yêu cầu ngày xuất hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa của người mua có một số bất cập trong một số trường hợp mua bán hàng hóa trên thực tế. Ví dụ, trường hợp doanh nghiệp nhập hàng hóa về cảng và đã chuyển giao quyền sở hữu theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, hàng hóa phải lắp ráp, chạy thử và bàn giao thì mới xuất hóa đơn. Như vậy, thời điểm bàn giao, xuất hóa đơn và thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là khác nhau.

Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm giao hàng.

Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm “hoàn thành việc cung ứng dịch vụ”. Theo VCCI, quy định này thực tế xảy ra nhiều bất cập. Bởi vì, dịch vụ đi kèm theo bảo hành, bảo trì (ví dụ: dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm). Đối với các loại dịch vụ này thì bên bán có phải đợi đến khi hoàn thành gói bảo hành, bảo trì kèm theo dịch vụ thì mới được nhận hóa đơn để kê khai chi phí và bên mua có phải đợi đến thời điểm đó mới hạch toán doanh thu. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn cho trường hợp này.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 32 Dự thảo quy định, trường hợp tự in hóa đơn thì doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải có “hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ”. Tuy nhiên, theo VCCI, điều kiện này là không cần thiết, bởi vì doanh nghiệp có thể thuê tổ chức nhận in hóa đơn quy định tại khoản 1 Điều 40 Dự thảo nên không nhất thiết phải có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in hóa đơn.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ” trong quy định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo.

“Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo thì doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải “có văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn tự in gửi cơ quan thuế và được sự chấp thuận của cơ quan thuế”, tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về thủ tục này như hồ sơ, tài liệu, cơ quan giải quyết thủ tục, thời gian giải quyết …”, VCCI lập luận.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Theo Huyền Trang(Báo DĐ DN)