Xây dựng Quy trình tiếp nhận, quản lý viện trợ quốc tế khẩn cấp

 

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quy chế triển khai tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Luật Phòng chống thiên tai quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, các khoản viện trợ khẩn cấp không chỉ có hàng hóa mà còn có tiền, phương tiện kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật, trong đó có nhiều nội dung chỉ cơ quan quản lý nhà nước đủ khả năng tiếp nhận, triển khai. Đồng thời, Luật giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan đầu mối, có thẩm quyền hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai. Do đó, thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế thường xuyên cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp thông qua Bộ để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Nghị định số 93/2009/NĐ-CP quy định trong trường hợp khẩn cấp, các khoản cứu trợ được triển khai ngay lập tức và kéo dài trong 3 tháng. Tuy nhiên, không quy định cụ thể về trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Ngoài ra, Nghị định số 93/2009/NĐ-CP chỉ được áp dụng đối với nhà tài trợ là các tổ chức phi Chính phủ.

Hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ các tổ chức quốc tế để khắc phục hậu quả thiên tai đang được áp dụng theo Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, đây là Nghị định về quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nên trình tự thủ tục rất chặt chẽ, không phù hợp với tính chất khẩn cấp của việc khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, thời gian qua, thực tiễn việc tiếp nhận viện trợ khẩn cấp của các tổ chức quốc tế đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập như: Năm 2016, ADB đã cung cấp khoản việc trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (được thông báo vào tháng 6/2016), tuy nhiên do áp dụng theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP nên đến đầu năm 2017 người dân mới nhận được hàng viện trợ. Vừa qua, sau ảnh hưởng của cơn bão số 12, một số Chính phủ, tổ chức quốc tế (Nga, Mỹ, Trung Quốc, JICA, UN…) viện trợ khẩn cấp hàng hóa, tiền để khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, do thiếu quy định pháp lý về việc tiếp nhận, phân phối cũng như cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương nên việc triển khai tiếp nhận còn nhiều lúng túng.

Từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tiếp nhận viện trợ khẩn cấp từ quốc tế nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, việc xây dựng Quy trình về tiếp nhận, quản lý, giám sát việc sử dụng các khoản viện trợ khẩn cấp từ quốc tế phục vụ khắc phục hậu quả thiên tai là hết sức cần thiết.

Nguyên tắc tiếp nhận, phân bổ và sử dụng viện trợ

Theo dự thảo, các khoản viện trợ khẩn cấp cho khắc phục hậu quả do thiên tai được coi là viện trợ phi dự án được thực hiện khẩn trương ngay sau khi xảy ra thiên tai và kéo dài tối đa 3 tháng sau khi thiên tai chấm dứt.

Việc tiếp nhận và phân bổ viện trợ phải công khai, minh bạch, kịp thời, đúng mức, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương. Không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, việc tiếp nhận do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Không tiếp nhận viện trợ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân sử dụng viện trợ phải đúng mục đích.

Các khoản viện trợ khi được xây dựng và triển khai thực hiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết với Bên tài trợ. Trong trường hợp các quy định hoặc điều kiện viện trợ của Bên tài trợ khác với các quy định của pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam

Đối với các khoản viện trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ là cơ quan chủ trì tiếp nhận và phân bổ khoản viện trợ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo chính phủ)