Cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 (Luật Quản lý nợ công năm 2017), trong đó tại Điều 40, Khoản 3 giao Chính phủ quy định chi tiết việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Trước khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 được thông qua, công tác cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được thực hiện theo Luật Quản lý nợ công năm 2009 và Nghị định số 78/2010/NĐ-CP về việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (Nghị định 78); Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Nghị định 52) để tăng cường công tác cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với chính quyền địa phương.

Các nội dung của 02 Nghị định nêu trên cần được rà soát và thống nhất quy định tại một văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện, bao gồm cả việc cho các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các địa phương vay lại. Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017, một số các quy định mới về cho vay lại cần được hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm và giải pháp về quản lý nợ công nói chung và công tác cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nói riêng.

Do đó, việc ban hành Nghị định của Chính phủ là cần thiết và có căn cứ pháp lý.

Lãi suất vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài

Đối với các quy định về điều kiện tài chính cho vay lại (từ Điều 6 đến Điều 19): Về cơ bản các nội dung về điều kiện tài chính cho vay lại được kế thừa các quy định của Nghị định 78. Một số nội dung mới được hướng dẫn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017, cụ thể như sau:  Lãi suất vay lại: dự thảo Nghị định thống nhất quy định lãi suất bằng lãi suất vay nước ngoài (khác với Nghị định 78 quy định lãi suất vay lại tối thiểu bằng lãi suất vay nước ngoài). Ngoài lãi suất vay lại, bên vay lại phải trả các khoản phí gồm phí do bên cho vay nước ngoài thu, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017. Về mức phí dự phòng rủi ro cho vay lại, để rõ ràng trong quá trình áp dụng, dự thảo Nghị định quy định 3 mức (là 0%/năm đối với cho vay lại chính quyền địa phương, 1% đối với cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập, và 1,5% đối với cho vay lại doanh nghiệp).

Thời điểm nhận nợ: Dự thảo Nghị định quy định bên vay lại phải nhận nợ cùng thời điểm Chính phủ nhận nợ với bên cho vay nước ngoài, nhằm nâng cao trách nhiệm của bên vay lại trong việc rút vốn cho vay lại so với quy định của Nghị định 78.

Về tài sản bảo đảm tiền vay: Tăng cường quy định về tài sản bảo đảm tiền vay, giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu bằng trị giá vay gốc; trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn dư nợ còn lại của khoản vay, bên vay lại phải có biện pháp bảo đảm tiền vay bổ sung hoặc phải trả nợ trước đối với phần nợ không được bảo đảm.

Đối với cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi (từ Điều 20 đến Điều 27):Quy định về điều kiện được vay lại, tỷ lệ cho vay lại, phương thức cho vay lại áp dụng cụ thể đối với từng đối tượng vay lại gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp (Điều 20 đến Điều 22). Trước bối cảnh nguồn vốn ODA không còn nhiều và có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới, dự thảo Nghị định quy định tỷ lệ cho vay lại đối với vốn vay ODA và vay ưu đãi áp dụng cùng mức đối với từng nhóm đối tượng vay lại.

Đối với cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, về phân nhóm, kiến nghị giữ 05 phân nhóm địa phương như hiện đang quy định tại Nghị định 52 đối với nguồn vốn vay ODA. Theo đó, các địa phương được phân nhóm căn cứ mức độ nhận trợ cấp của ngân sách trung ương (03 nhóm), và mức độ điều tiết về ngân sách trung ương (02 nhóm gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thuộc một nhóm, và nhóm các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương còn lại). Về tỷ lệ, kiến nghị 5 mức là 30%, 40%, 50%, 70% và 100% căn cứ theo khả năng tài chính, ngân sách của các địa phương, được tổng hợp thông qua tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hoặc tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương theo 05 phân nhóm trên.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Khánh Linh(Báo chính phủ)