Khi ông chủ bạn là một thuật toán

Việc tăng chiết khấu lần thứ 2 trong vòng sáu tháng, chạm mốc 23,6% kể từ ngày 1.1 vừa qua khiến hãng Grab đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ đội lái xe. Hàng trăm tài xế đình công cả ở Hà Nội và TP.HCM, tìm tới trụ sở để đối chất. 3,6% là phần thuế mà tài xế GrabBike bị hãng bắt họ phải chịu.

khi ong chu ban la mot thuat toan hinh anh 1

Thuật toán của Deliveroo giám sát các tài xế chặt chẽ và gởi cho cá nhân họ hàng tháng

Sau mười ngày chịu mức chiết khấu mới, tài xế GrabBike mới kêu gọi đình công, tắt ứng dụng tập thể. Sáng ngày 10.1, tại TP.HCM, có tới hàng trăm tài xế tới tận trụ sở của Grab để phản đối. Phía Hà Nội, lời kêu gọi tắt ứng dụng thậm chí còn lên mức cực đoan khi nhiều tin nhắn để lại trên cộng đồng Grab ở Hà Nội còn cho biết sẽ đặt cuộc gọi xe ảo đối với những người không tham gia chiến dịch đình công này. Grab âm thầm trả về mốc 20% như cũ.

Không có dự báo tốt đẹp đối với nền kinh tế gig, nhưng chỉ riêng ở Mỹ có đến 800.00 người kiếm tiền theo cách này - qua trung gian trực tuyến như TaskRabbit, Lyft, Uber và Deliveroo - mà không là lao động của bất kỳ ai.

Quản lý bằng thuật toán

Thuật ngữ “quản lý bằng thuật toán” hồi năm 2016 đã được đặt ra bởi các học giả tại viện Tương tác người - máy tính đại học Carnegie Mellon, và theo họ, chính sự đổi mới sáng tạo này giúp cho nền kinh tế gig vận hành. Đối với những công ty như Uber chủ trương “làm cho vận chuyển trôi chảy như nước”, quản lý bằng thuật toán giải quyết một vấn đề: làm thế nào thông tin, theo dõi và đánh giá một đám đông công nhân ngẫu nhiên mà họ không “tuyển dụng”, giúp họ cung cấp dịch vụ phản ứng kịp thời một cách liền lạc.

Những người triển khai quản lý bằng thuật toán cho rằng điều đó tạo ra các cơ hội sử dụng lao động mới, tạo ra các dịch vụ tiêu dùng tốt hơn và rẻ hơn, minh bạch và công bằng trong các thành phần của thị trường lao động, vốn mang đặc tính không hiệu quả, mờ ám và có những ông chủ thất thường. Nhưng vụ đình công đầu năm vừa qua cho thấy rằng, một số công nhân bắt đầu chống lại những mâu thuẫn đối với “ông chủ” đang quản lý chặt họ bằng các smartphone trong túi chính họ. Họ có thể tự do chọn lựa khi làm việc, nhưng không phải là làm việc bất cứ giá nào, hoặc quan trọng hơn cả là họ được trả lương bao nhiêu.

Chẳng hạn cuộc đình công vào mùa hè của công nhân hãng giao nhận Deliveroo ở Anh. Thuật toán của Deliveroo giám sát các tài xế chặt chẽ và gởi cho cá nhân họ hàng tháng “các đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ” dựa trên cách tính bình quân “thời gian nhận order”, “thời gian đến nhà hàng”, “thời gian chở khách hàng”, “thời gian đến chỗ khách hàng”, “những order bị trễ”, “những order không hoàn thành”. Thuật toán so sánh hiệu suất của các tài xế dựa trên đánh giá họ đã thực hiện nhanh như thế nào. Một ví dụ về các đánh giá một tài xế ở Kyaw, bên Anh: “Thời gian trung bình đến chỗ khách hàng của bạn thấp hơn ước tính của chúng tôi, nghĩa là bạn đáp ứng tiêu chí mức độ dịch vụ trung bình kém 3,1 phút”. Deliveroo trong khi đưa ra đánh giá, đã cho rằng “các yêu cầu liên quan đến thời gian” được tính trừ hao những sự chậm trễ hợp lý.

Các tài xế làm cho Uber, theo ước tính của Financial Times, có đến con số cả triệu người trên thế giới, cũng chịu quản lý bởi thuật toán tương tự. Họ chọn lựa làm việc lúc nào, nhưng một khi họ đăng nhập vào ứng dụng, họ chỉ có 10 - 20 giây để phản hồi “các yêu cầu hành trình” theo tuyến đường được thuật toán vẽ cho họ. Họ không được báo về điểm đến cuối cùng của khách hàng cho tới khi họ gặp khách hàng. Nếu tài xế lỡ mất ba yêu cầu hành trình liên tiếp, họ bị đăng xuất tự động trong vòng hai phút. Uber gởi cho các tài xế báo cáo hàng tuần, trong đó có đánh giá tỷ lệ xác nhận và mức độ phục vụ trung bình.

Cạnh tranh? Bóc lột?

“Thuật toán tạo nên tinh thần cạnh tranh - nếu tôi muốn lợi nhiều giờ hơn, tôi cần tăng lên một chút”, Greg Tanaka, sáng lập viên Percolata, 42, tuổi cho biết. Công ty tiến hành các trắc nghiệm “nghiên cứu kép” trên hai cửa hàng rất giống nhau và chỉ thực hiện quản lý bằng thuật toán một cửa hàng. Dữ liệu cho thấy thuật toán có thể đẩy doanh số tăng 10 - 30%. Tanaka nói: “Thuật toán quản lý tốt hơn các viên quản lý”.

Tốt hơn với người sử dụng lao động? Hay tốt hơn với lao động? Tanaka cho rằng cả hai. Tanaka còn cho rằng thuật toán của ông đáng tin cậy hơn một ông chủ, vì nó giỏi dự đoán nhu cầu hơn. Thuật toán cho lao động quyền tự do đăng nhập khi họ sẵn sàng làm việc. Nhưng khi đã làm việc, họ chịu một sức ép nhất định. Nhưng “thuật toán đem lại các cơ hội tuyệt vời cho sự bóc lột tột cùng người lao động đã ở tận đáy thị trường lao động”, Guy Standing, giáo sư các nghiên cứu phát triển, trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, đại học London, nói.

Vẫn chưa có dự báo tương lai của nền kinh tế gig sẽ như thế nào. Những công nhân tự do ở Việt Nam có công đoàn hay không để khi tranh chấp với ông chủ thuật toán, có cơ hội đưa các hãng sử dụng thuật toán ra toà? 

Theo Khởi Thức (Thế Giới Tiếp Thị)(Dân Việt)