ITC đồng hành cùng VCCI nâng cao năng lực cho doanh nghiệp


Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh tiếp đón bà Arancha Gonzalez, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại quốc tế ITC.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, hàng năm VCCI tổ chức cuộc đối thoại có sự tham gia của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi của các doanh nghiệp. Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư, Quốc hội vừa thông qua rất nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là bước thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển cũng như mở rộng hợp tác đầu tư.

 

"Chúng tôi có cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa rất lớn. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm của ITC, VCCI mong muốn được tham mưu để cùng tạo ra môi trường thuận lợi và thực tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển", ông Vinh nói.

Bà Arancha Gonzalez, Giám đốc điều hành ITC nhận định, hiện Việt Nam đã làm rất tốt việc đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, và cần đảm bảo rằng tất cả những điều này có thể được tiếp cận và tận dụng bởi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp. Những rào cản với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không tiếp cận được với những thông tin thương mại, không biết ở đâu có cơ hội, và làm cách nào để tận dụng những cơ hội đó. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, điều này có thể dễ dàng được khắc phục.

Giám đốc ITC cho rằng: ITC sẵn sàng hỗ trợ VCCI khảo sát về nhận thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với những rào cản của môi trường kinh doanh, qua đó cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam để biết và cần phải cải thiện những gì. Điều này cần được tiến hành thường xuyên để Chính phủ biết họ có đạt được tiến triển gì không hay tình hình có xấu.

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng trao đổi thêm với bà Arancha về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Hiện nay Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, cà phê, và các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, có rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong lĩnh vực này cần nâng cao nhận thức về bền vững trong sản xuất, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào chuỗi sản xuất.

"Trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, chúng tôi có rất nhiều tiềm năng. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào VCCI và khu vực tư nhân có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường sức cạnh tranh và năng suất của họ? Chúng tôi cũng nêu ra câu hỏi này trong CEO Summit và Business Leaders Summit trong Tuần lễ APEC được tổ chức tại Đà Nẵng trong thời gian qua. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, ITC có thể tham gia hợp tác hỗ trợ bằng việc cung cấp công nghệ, sử dụng blockchain để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ứng dụng vào sản xuất và tìm kiếm đối tác ở mức độ toàn cầu", ông Vinh cho biết.

Đồng tình với ông Vinh, Giám đốc ITC cho rằng, đây là một lĩnh vực rất thú vị nếu phát triển được những cộng đồng nông nghiệp nhỏ, nơi có rất ít hoạt động thương mại toàn cầu. "Chúng tôi đã thành công trong việc trợ giúp các nhà sản xuất ở Colombia, Ghana và Campuchia có công cụ để chính họ sẽ thúc đẩy bền vững, và tới đây chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam", Giám đốc ITC chia sẻ.

Về blockchain, bà Arancha cho biết, ITC sẽ chia sẻ kinh nghiệm với VCCI về một công cụ rất thú vị sẽ được khởi động vào cuối năm nay. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng truy cập và tham khảo tất cả các thông tin về thương mại và sản phẩm. ITC đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm công cụ này tại Geneva và sẽ hỗ trợ các quốc gia đối tác của ITC trong năm 2019.

Theo Cẩm Anh - Đinh Thanh(Báo DĐ DN)