Đề xuất sửa đổi quy định về thời gian tính trợ cấp thôi việc

 

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó: thời gian người lao động làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm cả thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội).

Tuy nhiên, quy định về cách tính thời gian người lao động làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đang bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn khi tính trợ cấp thôi việc cho người lao động, vì các lý do sau: (1) thời gian người lao động thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động và thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ; (2) Mặc dù thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng thời gian này được tính là đã đóng bảo hiểm xã hội, theo đó đối với giai đoạn trước khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành thì thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; (3) Thời gian này thường ngắn (từ 1 - 6 tháng), khi tính trợ cấp thôi việc thường phải làm tròn thành nửa năm, gây vướng mắc cho người sử dụng lao động, đồng thời làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, trong khi phần lớn thời gian người lao động thực tế làm việc đã được người sử dụng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi thời gian tính trợ cấp thôi việc theo hướng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động không bao gồm: thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Cụ thể, theo dự thảo, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc; trong đó: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học được hưởng nguyên lương; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động được người sử dụng lao động chi trả cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm, trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo chính phủ)