Đào tạo bổ sung với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp

 

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, đối tượng đào tạo bổ sung là công dân Việt Nam có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học.

Người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp, tùy theo loại văn bằng mà được đăng ký học bổ sung 1 trong 3 ngành sau: 1- Ngành Y đa khoa đối với người có văn bằng Cử nhân y khoa; Cử nhân y học; Cử nhân điều trị học; Cử nhân lâm sàng; Cử nhân nội khoa hoặc Cử nhân ngoại khoa; 2- Ngành Răng Hàm Mặt đối với người có văn bằng Cử nhân Răng Hàm Mặt hoặc Cử nhân Nha khoa; 3- Ngành Y học cổ truyền đối với người có văn bằng Cử nhân Trung Y; Cử nhân Y học cổ truyền; Học sĩ Trung Y hoặc Học sỹ Y học cổ truyền.

Dự thảo nêu rõ, người đăng ký tham gia khóa học phải tham gia bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào. Hình thức: trắc nghiệm 90 phút hoặc tự luận 120 phút. Nội dung: kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành. Người có kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào đạt từ 5 trở lên (theo thang điểm 10) mới được xét tuyển.

Theo dự thảo, khối lượng kiến thức và thời gian tối thiểu cho đào tạo bổ sung của từng ngành như sau: Đối với ngành Y đa khoa: Khối lượng kiến thức là 48 tín chỉ, thời gian đào tạo là 18 tháng; đối với ngành Răng Hàm Mặt: Khối lượng kiến thức là 40 tín chỉ, thời gian đào tạo là 12 tháng; đối với ngành Y học cổ truyền: Khối lượng kiến thức là 40 tín chỉ, thời gian đào tạo là 12 tháng.

Trên cơ sở nội dung đào tạo bổ sung theo quy định, Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành chương trình đào tạo bổ sung chi tiết theo từng ngành.

Theo dự thảo, cơ sở đào tạo bổ sung là cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trình độ đại học ngành tương ứng với ngành đào tạo bổ sung và có ít nhất 5 khóa đã tốt nghiệp. Cơ sở đào tạo bổ sung phải có cơ sở đào tạo thực hành theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Về kinh phí đào tạo, trong khi đợi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, giao các cơ sở đào tạo bổ sung xây dựng kinh phí đào tạo bổ sung trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi và công khai minh bạch.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. 

Theo Tuệ Văn(Báo chính phủ)