VCCI tăng cường bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp

Hội nghị có chủ đề: “Chính sách đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp VN trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0” do VCCI chi nhánh Khánh Hòa tổ chức vào chiều ngày 12/4 tại TP Nha Trang.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị, ThS. Đặng Thị Thu Nguyệt – Trưởng VPĐD VCCI tại Khánh Hòa cho biết: Trong năm 2017, VP đã tổ chức gần 35 hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm đào tạo, hội thảo và các cuộc khảo sát doanh nghiệp, thu hút gần 3.000 lượt người tham dự.

Điểm nổi bật trong năm 2017 là phát triển Hội viên mới và thu Hội phí tăng lên đáng kể, cụ thể Văn phòng đã phát triển thêm được 25 Hội viên mới, vượt 25%  kế hoạch đề ra và tăng so với năm 2016; Thu Hội phí tăng 34,5% so với năm 2016; các doanh nghiệp Hội viên cũng như chính quyền địa phương ngày càng đánh giá cao vai trò của VCCI Khánh Hòa là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. 


ThS. Đặng Thị Thu Nguyệt – Trưởng VPĐD VCCI tại Khánh Hòa báo cáo tại hội nghị

Trong công tác tổ chức Hội nghị, Hội thảo năm 2017 có nhiều nội dung mới, đặc biệt là lĩnh vực BHXH và tiếp cận đất đai; Hội nghị đối thoại tập trung tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều diễn biến tích cực, Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư với Nhật Bản, Hoa Kỳ. Do vậy công tác tọa đàm, hội nghị, hội thảo năm 2017 tiếp tục có sức lan tỏa rộng, thu hút nhiều DN cũng như đại diện các Sở, Ban, ngành.

Đặc biệt, trong năm 2017, VCCI Khánh Hòa đã giới thiệu doanh nghiệp tham dự chuỗi các sự kiện APEC 2017 như: Hội nghị Đối thoại công - tư APEC về Dịch vụ tại Nha Trang; Diễn đàn APEC Start up tại TP HCM do SMEPC – VCCI tổ chức; Diễn đàn Doanh nhân Nữ APEC tại Huế do Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam – VCCI tổ chức và cuối cùng cũng là quan trọng bậc nhất là 02 Hội nghị APEC: Business Summit (VBS) và APEC CEO Summit do VCCI tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 06-11/11/2017. 

Nhìn chung, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư năm nay có điểm mới là giới thiệu được một nhóm doanh nghiệp tiêu biểu của Tỉnh cùng làm việc trực tiếp với Đại sứ Nhật Bản, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ cũng như tham dự các chương trình hội nghị trong chuỗi sự kiện APCE năm 2017. Tuy nhiên đối với chương trình XTTM tại một số thị trường nước ngoài, Văn phòng cũng đã nỗ lực phối hợp với các đối tác có hỗ trợ nhất định, lên chương trình mời gọi nhưng mức độ hưởng ứng của DN địa phương còn thấp.

Kinh tế tư nhân trong thời kỳ 4.0

Cũng tại Hội Nghị, TS. Lê Đăng Doanh–Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW Kinh tế - Thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hợp Quốc đã có những chia sẻ về yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.


TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ về cuộc cách mạng 4.0

TS. Lê Đăng Doanh cho biết: Theo khảo sát 2000 doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm này, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Các doanh nghiệp biết nhưng chưa biết làm gì và chưa hành động.

"Chúng ta đừng nghĩ cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp cao xa, tự động hóa gì mà hãy tận dụng tất cả mọi khả năng để kết nối và hãy cải thiện tình hình của chúng ta. Liên kết theo chuỗi gía trị qua mạng, vận dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp kết hợp với nông dân,viện trường, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, ngân hàng.

Với cuộc cách mạng này, với tư tưởng đột phá của Trung ương Đảng thì chúng ta hãy đổi mới tư duy, từ bỏ kinh doanh theo thói quen, chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường, hợp đồng, có khách hàng, dựa trên tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ thông tin. Kết nối, giữ vững thị trường trong nước, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Trung Đông tránh chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất", TS. Lê Đăng Doanh cho biết.


Quang cảnh hội nghị

Các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, những khó khăn trong vận hành doanh nghiệp. Cụ thể, ông Hồ Anh Bình đến từ doanh nghiệp tư vấn dịch vụ Miền Nam cho biết, người lao động ở Khánh Hòa trình độ tin học rất thấp, khi một vài nhân viên vào thử việc, soạn thảo một vài văn bản cũng rất vất vả trong khi ở TP HCM lao động có thể sử dụng tin học một cách thành thạo. Với thời kỳ hội nhập 4.0 thì công nghệ thông tin và tiếng Anh, nên vấn đề nhân sự như vậy thì hội nhập là rất khó.

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thừa nhận, 15.000 doanh nghiệp của Khánh Hòa thì hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ nên ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn rất mờ. Bài toán nguồn nhân lực thực sự là vấn đề rất khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị, bên cạnh sự cố gắng của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có những phản hồi tích cực để giúp cơ quan quản lý có những điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong sự phát triển chung của tỉnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Chúng ta nên nghĩ đơn giản của cách mạng 4.0 là làm thế nào để các hiệp hội, các doanh nghiệp gắng kết được với nhau bằng một cơ sở dữ liệu chung, qua đó các doanh nghiệp đến với nhau, tìm hiểu và liên kết để làm gia tăng giá trị.


Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI cho biết: Hiện nay, trên cả nước có hơn 450 hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trong đó có gần 100 hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc và 28 hiệp hội ngành hàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ có chương trình đào tạo cho các các bộ làm công tác hiệp hội để làm sao cho các hiệp hội kết nối được doanh nghiệp, sử dụng dịch vụ của nhau…

Nói về hội nhập, nói về 4.0 thì nó đã hiện hữu rồi, chúng tá có muốn hay không muốn thì nó vẫn diễn ra. Chúng ta không hội nhập thì chúng ta sẽ bị đào thải, do đó chúng ta phải “biết bơi”, chúng ta phải có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp của mình cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Tất cả các động thái của VCCI là để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người sử dụng lao động, do đó, VCCI sẽ luôn đồng hành cũng doanh nghiệp và mong muốn các doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực để phát triển mạnh mẽ hơn doanh nghiệp của mình. VCCI coi sự phát triển của doanh nghiệp là mối quan tâm của mình. Ông Phòng cho biết thêm.

Theo Thục Uyên(Báo DĐ DN)