TS Vũ Tiến Lộc: “Rút ngắn đào tạo bậc đại học chỉ trong 2 năm”


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI điều phối Diễn đàn CEO 2018

Những hồi chuông cảnh báo về năng suất lao động của Việt Nam lại được rung lên mạnh mẽ.  Trước đó, tại tại Hội thảo Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP, diễn ra chiều ngày 5/4/2018 do báo Diễn đàn Doanh Nghiệp tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định năng suất lao động của người Việt vẫn rất thấp, nếu không muốn nói là thấp nhất trong khu vực. Trình độ quản trị doanh nghiệp cũng tương tự.

Tại cuộc hội thảo này, TS Vũ Tiến Lộc dẫn lại: 50% doanh nghiệp cho biết khó tìm được nhân sự có tình độ cao. Đặc biệt, "các doanh nghiệp nước ngoài đã có những cuộc tìm kiến nhọc nhằn", ông Lộc nhấn mạnh.

Mặc dù 60% doanh nghiệp FDI  vẫn cho biết họ tiếp tục có ý định mở rộng kinh doanh sang Việt Nam, biểu hiện qua sự dịch chuyển dòng vốn, nhưng nguyên nhân không nằm ở chất lượng lao động. Họ đến Việt Nam bởi thể chế ổn định, quy mô thị trường lớn, còn lao động, đến nay vẫn chỉ được nhớ đến là vì đông và giá rẻ.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, chất lượng lao động chính là sức ép bởi đây là yếu tố để đưa Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong đó, cải cách giáo dục đào tạo trở thành yêu cầu quan trọng nhất.


TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI trả lời phỏng vấn bên lề tại Diễn đàn CEO 2018.

"Không còn thời các trường đại học đào tạo một cách vô tư theo mong muốn của mình. Tất cả phải theo yêu cầu thị trường, cần phải thực dụng hơn bởi nếu phải chờ để mất 4 – 5 năm mới cho ra đời một thế hệ cử nhân thì sẽ lạc hậu hơn so với thời cuộc", ông Lộc nhấn mạnh quan điểm của mình.

Còn nhớ, trước đó tại Hội thảo khoa học tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”  GS. Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng có ý kiến tương tự. "Tôi đề nghị đại học ở Việt Nam cũng chỉ cần 2 năm thôi, 2 năm nhưng đủ và chất lượng tốt từ các bậc học trước đó thì ra là làm việc được ngay", GS. Trần Văn Thọ nhìn nhận.

Mới đấy nhất, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi theo hướng: Đào tạo trình độ đại học được thực hiện tương đương từ 3 đến 5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trả lời báo chí, ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, việc đào tạo đại học trong khoảng thời gian từ 2-3 năm sẽ giúp cho Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào đủ sức để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá.

"Nếu các bạn trẻ được đào tạo tốt ở cấp 2, cấp 3 rồi thì khi học chỉ cần 2 năm là đủ, không nên bỏ lỡ cơ hội để đón đầu về mặt công nghệ trong công nghiệp", đại diện IMF cho hay.

Theo Nhóm Phóng Viên(Báo DĐ DN)