‘Miếng bánh’ logistics còn rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt còn nhỏ lẻ

Doanh nghiệp logistics Việt nhỏ lẻ, manh mún

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 3/2018, cả nước có 296.469 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, tập trung chủ yếu ở khu vực có hệ thống cảng, đường bộ thuận lợi: Đồng bằng sông Hồng (38,8%), Đông Nam Bộ (33,8%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14,2%), trung du và miền núi phía bắc (5,6%), đồng bằng sông Cửu Long (5,2%), Tây Nguyên (2,4%).

Tuy nhiên, quy mô vốn khi đăng ký của các doanh nghiệp ngành logistics còn rất hạn chế, tới 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực logistics ở quy mô nhỏ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tính đến ngày 20/03/2018, VLA có 369 hội viên, bao gồm nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong ngành như SNP, Gemadept, Transimex, Indotrans, TBS Logistics, BK Logistics, U&I Logistics, TBS Logistics, Sotrans, Vinalink Logistics, Vinafco… Điều đó cho thấy, chỉ có số ít doanh nghiệp logistics hoạt động tham gia Hiệp hội nhằm tăng tính liên kết, còn lại đăng ký kinh doanh nhưng không thực sự tham gia lĩnh vực logistics hoặc hoạt động đơn lẻ.

Cũng theo VLA, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. So với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu.

Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.

"Miếng bánh" logistics còn rất lớn

Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, cần thực hiện 4 nhóm giải pháp trực tiếp để tăng năng lực cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Đó là, tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp logistics Việt Nam. Bởi quy mô của các doanh nghiệp ở mức rất hạn chế do năng lực tài chính còn hạn hẹp, gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại do thiếu tài sản bảo đảm, hạn chế trong hệ thống sổ sách, quản trị và xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Việc thúc đẩy hợp tác trong nội bộ ngành tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ hơn rất quan trọng để hạn chế tình trạng hoạt động phân tán, đơn lẻ hiện nay. Các doanh nghiệp có thế mạnh về sự linh hoạt và am hiểu thị trường nội địa, có thể đáp ứng các thị trường ngách, hẹp, đặc biệt mà các công ty lớn khó có thể lấp đầy. Việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ tăng hiệu quả, năng suất của các doanh nghiệp, giảm được thời gian nhàn rỗi, từ đó các doanh nghiệp tăng trưởng dần về mặt quy mô. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics bằng việc tổ chức đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp logistics.

Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam bởi việc đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động logistics để giảm chi phí mà vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động rất quan trọng trong thời đại hội nhập và phát triển của công nghệ thông tin. Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực logistics. Giải pháp này đang được Chính phủ triển khai, bước đầu là ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, việc xem xét ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được đẩy mạnh nghiên cứu.

Làm rõ hơn những cơ hội phát triển ngành dịch vụ logistics, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tăng trưởng thương mại quốc tế và nội địa trong những năm gần đây ổn định ở mức cao, cho thấy nước ta có điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành nghề này.

“Hiện nay, phải tính đến quy mô xuất nhập khẩu ở mức trên 500 tỷ USD để thấy “miếng bánh” của ta về logistics là lớn. Do đó, việc phát triển ngành dịch vụ logistics hiện nay phải hướng tới mục tiêu kép là bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế cho phát triển, phải khẩn trương cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh bởi logistics chính là ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đề xuất ý kiến nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh hơn Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ KH&ĐT ban hành mã ngành về logistics, tạo điều kiện về pháp lý cho thực hiện dịch vụ logistics. Đặc biệt, khi triển khi Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển.

Bộ Giao thông vận tải cũng cần phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương, bộ ngành để triển khai các quy hoạch. Cần xây dựng và rà soát các trung tâm logistics cả nước gắn kết với quy hoạch cảng cạn, quy hoạch cơ sở hạ tầng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Cần lộ trình đặc biệt để khai thác giao thông vận tải đa phương thức, khai thác tối đa hiệu quả cho logistics phục vụ trong và ngoài nước.

Theo Phan Trang(Báo chính phủ)