Bộ Tài chính đang “đánh” trực tiếp vào người có thu nhập trung bình

bo tai chinh dang “danh” truc tiep vao nguoi co thu nhap trung binh hinh anh 1

Đó là nhận định của Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín (ảnh), chuyên gia tài chính - ngân hàng, xoay quanh dự thảo đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đưa ra mới đây. 

Ông Tín cho rằng: “Hiện nay, phần lớn đối tượng có nhu cầu về nhà ở là người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là công chức, viên chức có thu nhập trung bình 10-15 triệu đồng/tháng. Theo quan sát thì dự thảo này hiện đang “đánh” trực tiếp vào các đối tượng này”.

Dập tắt “ước mơ mua nhà” của công chức, viên chức?

Thưa ông, dự thảo đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang bị phản ứng gay gắt. Ông nhận định đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là công chức, viên chức - những người có mức thu nhập trung bình trong xã hội. Căn cứ vào đâu ạ?

- Một số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 50 triệu người ở lứa tuổi lao động, trong đó những người có thu nhập trung bình từ 10-15 triệu đồng/tháng luôn nuôi dưỡng mơ ước có được một căn nhà để an cư. Tuy nhiên, nhìn vào dự thảo thuế vừa được công bố, có thể thấy sắc thuế nhà ở nếu ra đời sẽ trực tiếp đánh vào người lao động có thu nhập trung bình - một đối tượng mà cơ quan quản lý dễ bề nắm bắt thông tin bởi 100% thu nhập của họ luôn được chi trả qua ngân hàng. Trong khi đó, đối tượng này thường phải “cày” cật lực hàng chục năm mới mua được một căn nhà có giá thuộc dạng “bèo” nhất hiện nay là 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tôi dẫn chứng, một viên chức có mức lương bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, bình quân mỗi tháng thường phải chi tiêu cho bản thân và gia đình từ 8-12 triệu đồng/tháng, tính ra tích góp được khoảng 3 triệu đồng/tháng, thậm chí tôi cho dôi dư ra là tích cóp được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Như thế, muốn mua được căn nhà 700 triệu đồng thì phải tích lũy hơn... 20 năm.

Trên thực tế, muốn có nhà để an cư sớm thì đối tượng này phải có được 300 triệu đồng (tích cóp, thậm chí vay mượn anh em, bạn bè) và muốn mua căn nhà 1 tỷ đồng thì phải vay ngân hàng 700 triệu đồng trong thời hạn 20 năm. Nói ra bẽ bàng, 700 triệu đồng với người có mức dôi dư một tháng chỉ 3 - 4 triệu đồng là một gánh nặng cực lớn, họ phải kiếm đâu ra nếu không vay ngân hàng? Sau khi vay rồi thì mỗi tháng các đối tượng này phải tích lũy 7 - 10 triệu đồng để trả vốn và lãi cho ngân hàng. Giả sử thu nhập của người này không tăng thì lấy tiền đâu để nộp thuế nhà ở? Tôi cho rằng cách tính thuế như vậy là rất vô lý và bất công.

Có ý kiến cho rằng, đánh thuế nhà như thế là thuế chồng thuế, ông có đồng ý quan điểm này?

Tôi cho là về bản chất là có việc này. Thực tế cho thấy, để hoàn tất các thủ tục sở hữu nhà ở, người mua nhà hay căn hộ chung cư đều phải đóng khá nhiều loại thuế, phí.

Chẳng hạn, khi mua nhà, người mua phải đóng lệ phí trước bạ (được tính bằng diện tích đất nhân (x) với giá đất 0,5%, trong đó giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ấn định). Riêng thuế GTGT 10% thì đã được ẩn vào giá trị căn nhà. Đồng thời, người mua còn phải đóng thuế đất phi nông nghiệp, phí thẩm định địa chính 0,15%/giá trị chuyển nhượng (mức tối thiểu 100.000 đồng và tối đa là 5 triệu đồng).

Mặt khác, theo Luật Đất đai, khi người dân chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở phải đóng tiền sử dụng đất khá lớn. Thực ra, về mặt bản chất, tiền sử dụng đất là một sắc thuế nhưng chưa được đặt tên (tạm gọi là thuế sử dụng đất) và mức thuế này hiện nay rất lớn. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thuế sử dụng đất thường chiếm khoảng 10%/giá trị căn hộ (với chung cư) và khoảng 30% giá trị nhà phố riêng lẻ.

Chưa kể, sau khi xây dựng nhà ở, người dân phải hoàn tất thủ tục hoàn công với lệ phí vài triệu đồng/căn nhà (tạm gọi là thuế hoàn công) và theo tôi, đây chính là sắc thuế tài sản nhà ở chưa được đặt tên. Như thế, nếu trong tương lai chủ nhà phải đóng thêm thuế nhà ở, tức người đó đã đóng thuế 2 lần, rất vô lý. Chỉ từng đó thôi đã có thể thấy được hiện tượng “thuế chồng thuế”.

Nên đánh thuế vào căn nhà thứ 2

Bộ Tài chính, thậm chí là một số chuyên gia kinh tế có đăng đàn ủng hộ việc đánh thuế nhà như một biện pháp để hạn chế đầu cơ, làm giá bất động sản. Ông đáng giá gì về cách nhìn này?

Tôi thấy đó chỉ là cách tính toán theo kiểu lý thuyết, sách vở. Thực tế, mức thuế suất 0,4%/mức giá do cơ quan quản lý tính toán dựa trên giá đất, giá xây dựng cơ bản mà nhà nước công bố là không đáng kể. Trong khi đó, chỉ trong 1 tháng, thậm chí nay mua mai bán thôi, dân "lướt sóng", đầu cơ nhà đất cũng có thể thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Do đó, nếu đưa biện pháp này ra để hạn chế đầu cơ nhà là chưa hợp lý.

Theo tôi, muốn áp thuế nhà thì Bộ Tài chính nên tập trung vào người có nhà ở thứ hai vì đây là đối tượng có thu nhập cao, hơn là nhắm vào đối tượng có thu nhập trung bình.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng người dân sẽ lách thuế bằng cách nhờ người khác đứng tên dùm. Nói thật, chẳng ai mà dại đưa người khác đứng tên dùm nhà cho mình vì rủi ro sẽ cao hơn. Còn nếu chuyển cho con cái đứng tên dùm thì mỗi người cũng chỉ đứng tên được một căn nhà (trong trường hợp đủ tuổi trên 18), nhưng đối tượng đảm bảo điều kiện này thì không nhiều.

Trong trường hợp Bộ Tài chính vẫn cương quyết áp thuế nhà theo... thông lệ quốc tế thì trước hết phải giảm thuế sử dụng đất xuống 10% - 15% (với nhà phố), xóa bỏ thuế đất phi nông nghiệp và một loạt các loại thuế, phí khác liên quan đến nhà ở. Khi đó, người dân mới nhận thấy chính sách này là phù hợp và đồng thuận nộp thuế.

Người dân vẫn không hiểu tại sao Bộ Tài chính đưa ra việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, theo ông thì căn cứ vào đâu để có mức thuế nào?

 Trong dự thảo thì Bộ Tài chính không nhắc tới nhưng trong văn bản giải thích thì có đề cập. Đó là Bộ Tài chính căn cứ vào vấn đề Chính phủ đã đặt ra là người dân sử dụng nhà ở không quá 24m2 (diện tích xây dựng) rồi nhân cho một hộ gia đình 4 người, nhân với giá thành xây dựng 7,3 triệu đồng/m2 để xác định giá trị căn hộ 700 triệu đồng (lấy tròn từ con số 730 triệu đồng).

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc Bộ Tài chính lấy cơ sở này để xác định mức đánh thuế nhà là hết sức phiến diện. Bởi, trên thực tiễn, không phải gia đình nào cũng có 4 người ở độ tuổi lao động, đồng thời số người của từng hộ có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Còn việc đánh thuế ôtô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng thì sao, thưa ông?

Tôi chỉ ví dụ, một ôtô nhập khẩu về Việt Nam sẽ phải chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (có khi lên tới hơn 100% tùy dòng xe). Khi đó, một chiếc xe về Việt Nam đã cao gấp 3-4 lần so với giá trị thực ở nước ngoài. Giờ đánh thuế tài sản nữa thì liệu có quá vô lý?

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt