Tăng trưởng kinh tế bền vững: Doanh nghiệp trong nước phải trở thành đầu tàu

Quan ngại về chất lượng tăng trưởng

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam quý I/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dường như là do đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng ấn tượng này.

Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế không phân bổ đều cho các thành phần kinh tế mà chủ yếu tới từ khu vực FDI, đặc biệt là Samsung.

Cụ thể, theo phân tích của TS.Thành, quý I/2018, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi quý I/2017 tăng trưởng thấp hơn nhiều (GDP của quý 1/2017 đạt 5,15%), do khi đó sản lượng của Samsung còn thấp. Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý I/2018 tăng trưởng mạnh, đồng thời điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI.

FDI 

 Khu vực FDI đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nướcẢnh: T.L minh họa

Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối DN FDI sẽ khiến nền kinh tế dễ bị “tổn thương” khi khối FDI có bất ổn, thậm chí chỉ cần một vài DN lớn của khối FDI có “cú sốc” là tác động ngay đến kết quả tăng trưởng chung của Việt Nam. Đơn cử như câu chuyện năm 2016, khi sản phẩm Samsung Note 7 bị lỗi là ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh cũng như ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước nói chung…

“Xét về lượng thì thu hút FDI của Việt Nam luôn đạt những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế lại không nhiều khi tỷ lệ nội địa hóa và khả năng cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện của khu vực DN trong nước còn ở mức thấp. Lao động Việt Nam phục vụ khối FDI vẫn chủ yếu bán sức lao động giá rẻ, làm gia công… Điều này đặt ra những quan ngại trong dài hạn về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực DN trong nước” - ông Hiếu đánh giá.

Cần xây dựng được những DN Việt có vai trò dẫn dắt

GS.Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cho rằng, khu vực DN FDI là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của đất nước. Vì vậy, vấn đề cần giải quyết không phải là hạn chế hay giảm bớt sự hoạt động của DN FDI, mà phải đưa ra những giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ từ DN FDI, cũng như tạo sự gắn kết giữa DN trong nước và DN FDI, để sự phát triển của khối DN FDI trở thành “lực đẩy” hỗ trợ DN trong nước phát triển nhanh chóng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các DN trong nước.

Đồng quan điểm, đưa ra khuyến nghị giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam phải xây dựng được những DN có vai trò dẫn dắt để tạo ra được một bộ phận DN thật sự lớn mạnh trở thành đối tác với các DN FDI. Từ đó, những DN dẫn dắt này sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng, cụm liên kết của DN nội địa để các DN khác cũng dần trở thành những DN vệ tinh của các DN FDI.

“Theo một kết quả khảo sát mà viện chúng tôi ghi nhận được, số DN Việt là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung sau 4 năm (từ 2014 đến 2017) chỉ tăng từ 4 lên 24 DN. Bởi, trong gần 600.000 DN Việt Nam thì có đến khoảng hơn 90% là DN nhỏ và vừa nên rất khó đủ sức để “chen chân” vào chuỗi cung ứng của Samsung. Do đó, nếu không xây dựng được những DN có quy mô đủ lớn thì rất ít có cơ hội trở thành đối tác của Samsung” - ông Quân cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Quân, một nghiên cứu của Viện tiến hành vào năm 2017 đã thực hiện khảo sát trong 600 DN Việt Nam, thu được kết quả là có khoảng 25% DN (trong tổng số 600 DN được khảo sát) được xếp vào tốp đầu (tức nhóm DN có năng lực cao nhất và có khả năng trở thành DN dẫn dắt). Năm 2018, viện cũng tiếp tục tiến hành nghiên cứu tương tự, từ đó sẽ đề xuất những chương trình hỗ trợ tập trung cho khối DN này để trở thành những DN dẫn dắt các DN nhỏ và vừa khác cùng phát triển, có khả năng liên kết với các DN FDI, thậm chí có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng khác trên toàn cầu.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI cũng cho rằng, không thể trách các DN FDI không hợp tác, liên kết với DN Việt mà cần phải nhìn nhận rằng DN Việt đã có đủ năng lực để hợp tác, để tham gia vào chuỗi sản xuất, để cùng hưởng lợi với các DN FDI hay chưa?

Vì vậy, giải pháp tốt nhất là DN trong nước phải tự cải thiện năng lực của chính mình để ngang tầm hợp tác với DN ngoại. Việc này không nhà nước nào làm thay DN được cả. Và cũng chỉ có thể bằng cách này, bởi kinh doanh là tự do, DN FDI không thể bị buộc phải hợp tác với DN nội, họ chỉ hợp tác khi thấy thực sự có lợi ích…./. 

Theo Diệu Thiện(Thời báo tài chính)