40% DN FDI lựa chọn trọng tài thương mại thay tòa án

ht
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Đó là chủ đề chính được các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Toà trọng tài Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thảo luận tại hội thảo “Trọng tài thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, diễn ra ngày 11/5, tại Hà Nội.

Xu hướng DN FDI lựa chọn trọng tài thương mại

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ánh Dương - Phó Chủ tịch VIAC cho biết, theo số liệu thống kê tại VIAC, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là DN FDI và trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy, các DN, trong đó có DN FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài; tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp.

Về phía mình, VIAC đã nỗ lực để trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, giúp các DN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, an tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Còn theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC, số liệu trích từ Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm DN FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến DN FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp. Cụ thể như: Khả năng, năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp; các phán quyết của tòa chưa công bang; thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho DN… Do đó, 40% các DN FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Số liệu thống kê sự tham gia của các DN FDI trong các vụ việc trọng tài tại VIAC, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là DN FDI. Trong số các tranh chấp này, 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực leasing (cho thuê).

“Tại VIAC, với các tranh chấp có sự tham gia của ít nhất một bên là DN FDI, các bên phải sử dụng luật Việt Nam theo đúng quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng các bên được quyền cùng nhau thỏa thuận sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài là ngoại ngữ khác với tiếng Việt. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ trọng tài tiến hành bằng ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) tại VIAC luôn ở mức trên 50%” - ông Đạt cho biết.

Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch ICC cho rằng, Việt Nam là quốc gia năng động và có môi trường đầu tư an toàn, ICC mong muốn thúc đẩy hòa giải trọng tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng, nên trong 5 năm qua các trọng tài của ICC đã đến với Việt Nam. Đồng thời, ICC sẽ hỗ trợ VIAC hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa giải trọng tài.

Ưu điểm trong giải quyết tranh chấp

Theo ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers, tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 24.700 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Nhận định về sự đóng góp của khu vực FDI trong thúc đẩy hội nhập, ông Dũng cho rằng, FDI đã góp phần tác động lớn làm cho hội nhập có chiều sâu. Đây cũng là nhân tố quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Lý giải về việc tại sao nhà đầu tư nước ngoài nên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài tại Việt Nam, ông Dũng cho biết, trọng tài tôn trọng ý chí thoả thuận của các bên, thủ tục nhanh chóng linh hoạt, bảo mật thông tin, cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài cao. Đặc biệt, trọng tài thương mại ở Việt Nam có ưu điểm lớn là có thể được thi hành trực tiếp tại cơ quan thi hành án Việt Nam mà không phải trải qua thủ tục công nhận thi hành, như quy định tại Công ước NewYork 1958.

Đánh giá hoạt động nổi bật của VIAC năm 2017, ông Đạt khẳng định, việc ra mắt phiên bản 2017 của bộ quy tắc tố tụng trọng tài với 3 điểm mới chính: Việc gộp vụ tranh chấp hoặc yêu cầu khởi kiện và thủ tục rút gọn. Phiên bản quy tắc tố tụng 2017 đã được tích hợp đầy đủ những vận động và thay đổi trong thực tiễn tố tụng trọng tài. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định mới, nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn nữa thủ tục tố tụng trọng tài tại VIAC và tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp để đảm bảo tính hiệu quả của thủ tục trọng tài.

Ông Kevin Kim cho biết, tại ICC có cơ chế và hệ thống giải quyết tương đối ngắn gọn so với các tổ chức trọng tài nổi tiếng trên thế giới khác, trong quy trình giải quyết chỉ có một phiên tranh tụng ngắn gọn. Hiện nay, không có danh sách của các trọng tài viên tại ICC, ủy ban quốc gia sẽ giới thiệu các trọng tài viên và toà ICC sẽ chỉ định theo mỗi vụ kiện.

Khi hội đồng trọng tài đưa ra dự thảo phán quyết cuối cùng, ICC sẽ giám sát chứ không trực tiếp thực hiện. ICC hiện đang tiến hành áp dụng thủ tục rút gọn (EPP) để giúp các bên, coi đây là cơ chế đổi mới sáng tạo./.

Theo Văn Nam(Thời báo tài chính)