Dự thảo xử phạt VPHC trong lĩnh vực du lịch

 

 
 Ảnh minh họa - Internet

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Theo dự thảo, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như sau: a- Cảnh cáo; b- Phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: a- Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; quyết định công nhận khu du lịch, điểm du lịch và biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; b- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; c- Tịch thu tang vật là giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả để vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính

Dự thảo đề xuất, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch; người nước ngoài nhập cảnh hoạt động du lịch tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người nước ngoài nhập cảnh hoạt động du lịch không đúng mục đích, chương trình đã đề nghị xin cấp thẻ tạm trú, thẻ thường trú…

Đối với một trong các hành vi vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như: a- Không áp dụng biện pháp cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; b- Không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Cơ sở lưu trú đã được công nhận hạng mà có hành vi không gắn biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch ở khu vực cửa chính thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch khác như sau: a- Không thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa; b- Không niêm yết giá theo quy định; c- Không bán đúng giá niêm yết; d- Không nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành; đ- Không đảm bảo tiêu chuẩn nhân viên theo quy định; e- Không có thực đơn theo quy định; g- Không có nội quy, quy trình theo quy định; h- Không có nơi đón tiếp, nơi gửi đồ dùng cá nhân và phòng tắm cho khách theo quy định; i- Không có dịch vụ cho thuê dụng cụ tập luyện, thi đấu phù hợp với từng môn thể thao theo quy định; k- Kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của khách du lịch như sau: a- Không ứng xử văn minh, không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; b- Không thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo A Hi(Báo chính phủ)