Thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

 

Ảnh minh họa

2 hình thức thu hồi

Theo dự thảo, việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn thực hiện theo 2 hình thức: 1- Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là chủ sản phẩm) tự nguyện thực hiện; 2- Thu hồi bắt buộc là thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn là cơ quan tiếp nhận Hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm); cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4 hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi

Theo dự thảo, sản phẩm phải thu hồi được xử lý theo một trong các hình thức sau:

1- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về lỗi sản phẩm, lỗi ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng;

2- Chuyển mục đích sử dụng: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm vi phạm về chất lượng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác;

3- Tái xuất: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và chủ sản phẩm đề nghị phương thức tái xuất;

4- Tiêu hủy: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể khắc phục lỗi hoặc chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất theo quy định trên.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo Chính phủ)