Phó Chủ tịch VCCI tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế thường niên lần thứ 107

Diễn ra từ ngày 28/5 đến 8/6/2018 tại Geneva, Thuỵ sỹ, Hội nghị Lao động Quốc tế thường niên lần thứ 107 với gần 5.000 đại biểu, gồm đại diện các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động của 187 quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. 

Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là thảo luận về "Sáng kiến Phụ nữ tại nơi làm việc: Thúc đẩy sự bình đẳng". Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận nội dung về các hoạt động hợp tác hỗ trợ của ILO nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và việc xây dựng thêm tiêu chuẩn mới về Bạo lực và quấy rối đối với lao động nữ và nam trong thế giới lao động.


Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Lao động Quốc tế, ngày 6/6, tại Geneva (Thụy Sĩ).

Chiều ngày 6/6/2018, Phó chủ tịch Hoàng Quang Phòng đã phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị. Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ sự hoan nghênh sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Tổ chức lao động quốc tế cũng như các thành viên đại diện người sử dụng lao động của Tổ chức lao động quốc tế đối với cộng đồng người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị, Phó chủ tịch Hoàng Quang Phòng cũng đã gặp gỡ, làm việc với bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO, đại diện Liên đoàn Giới chủ Nauy và đại diện các ban chuyên môn tại trụ sở Tổ chức lao động quốc tế, trao đổi về phương hướng hợp tác hỗ trợ VCCI trong tương lai. 


Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Liên quan tới Chủ đề chính của Hội nghị Lao động Quốc tế thường niên lần thứ 107 lần này, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam có bao gồm mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Để hiện thực mục tiêu đó, các chương trình, đề án giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... đã được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm, tham gia vào thị trường lao động, thoát nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế.

Nhờ đó, ở Việt Nam hiện nay, lao động nữ chiếm 48,1% trong tổng số 54,8 triệu người lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp là hơn 25%. Khoảng cách về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, lao động nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tiềm năng và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ là yêu cầu tất yếu. Từ đó, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi toàn quốc.

Theo Thy Hằng(Báo DĐ DN)