Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn “trên nóng dưới lạnh”, “nóng lạnh không đều"


Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “nóng lạnh không đều. 

Cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh

Trong bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng. Theo đó, năng lực cạnh tranh đạt thứ hạng 55/137, tăng 5 bậc so với năm 2016; Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với 2016; Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016).

Dẫn chứng cụ thể về vấn để cải thiện môi trường kinh doanh, ông Phương lấy ví dụ về chỉ số khởi sự kinh doanh, đây là một trong 10 chỉ số thành phần thuộc Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới.

Các thủ tục liên quan đến khởi sự kinh doanh bao gồm: Thành lập doanh nghiệp; Khắc dấu; Công bố mẫu dấu; Mở tài khoản ngân hàng; Mua hóa đơn VAT hoặc in hóa đơn VAT; Công bố thông tin ĐKDN; Đóng lệ phí môn bài; Đăng ký lao động tại địa phương; Đăng ký Bảo hiểm xã hội.

Các thủ tục này thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ ngành khác nhau gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Phương khẳng định hiện tại, các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chỉ số này.

Cụ thể: “Thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp: Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo ghi nhận trên Hệ thống là 2,36 ngày. Thủ tục khắc dấu: Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tự quyết định về nội dung, số lượng, việc quản lý và sử dụng con dấu doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thực hiện khắc dấu trong khoảng 1 giờ. Thời gian thực hiện công bố mẫu dấu trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn tất cả các DN thực hiện quy trình thông báo mẫu con dấu qua mạng điện tử. Thời gian thực hiện việc đăng tải chỉ trong khoảng 1 giờ”.  

Trong lĩnh vực thuế, ông Phương cho biết, việc mua hóa đơn thuế VAT tại cơ quan thuế hoặc tự in hóa đơn: "Theo các quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì cơ quan thuế thực hiện bán hóa đơn ngay trong ngày cho doanh nghiệp". 

Kiểm tra chuyên ngành đã giảm... nhưng chưa như kỳ vọng

Theo ông Phương, kết quả thực hiện Nghị quyết 19 về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những chuyển biến trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện các giải pháp còn chậm và không đồng đều. Số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm, nhưng vẫn còn lớn, thậm chí mở rộng so với quy định của luật. Quản lý chuyên ngành chồng chéo, chưa thống nhất giữa các Bộ, ngành. Kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa thực chất, chưa hiệu quả.

Về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phương cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và đơn giản hóa.

“Từ nay đến thời hạn phải ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) là 4 tháng, nhưng tiến độ thực hiện nhiệm vụ này của các bộ, ngành còn chậm, một số Bộ chưa tích cực. Do vậy, để đạt được mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh đòi hỏi các Bộ trưởng phải quan tâm và đẩy nhanh việc thực hiện”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cũng cho hay, sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương. Vẫn có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “nóng lạnh không đều”.

"Tốc độ cải thiện còn chậm. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực" - ông Phương nhấn mạnh và bày tỏ quan điểm: Trong thời gian tới đây, việc thực hiện các nội dung về Báo cáo Việt Nam 2035, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Nghị quyết 19, đặt ra những thách thức như sau:

Nhận thức về việc triển khai các nội dung này đã được nâng cao trong các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp nhưng sự quan tâm và mức độ quyết liệt chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nền tảng cơ bản là công nghệ kỹ thuật số và các ngành kinh tế kỹ thuật số. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng này được dự báo vô cùng lớn, mang lại cả thách thức cũng như cơ hội cho các quốc gia.

Năng lực hay hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên, một số yếu tố cấu thành năng lực này cho thấy vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh việc chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu về các vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn lực trong nước hạn chế, đưa ra các về vấn đề giải pháp khắc phục những vấn đề trên, ông Phương cho rằng, Việt Nam cần phải tập trung vào những vấn đề chính như sau:

Trước tiên, sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai, có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh; Thứ ba, cần có cơ chế đánh giá thường xuyên để điều chỉnh kịp thời việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Báo cáo Việt Nam 2035 và Nghị quyết 19; Nhận thức đúng vai trò quan trọng của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh; Bốn là, phấn đấu đạt chỉ tiêu số doanh nghiệp trên đầu người đạt mức trung bình của ASEAN; Năm là, Tập trung vào lĩnh vực Đổi mới, Sáng tạo, Khởi nghiệp ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt là Công nghệ Thông tin;

Theo Trang Hằng - Thanh Hà(Báo Diễn Đàn Doanh nghi)