Phó Chủ tịch VCCI: "Chính sách công nghiệp" là "đòn bẩy" để kinh tế tư nhân phát triển

Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều 10/7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế như nhân".


Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”

Thiếu trầm trọng doanh nghiệp cỡ vừa

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số: 10-NQ/TW với những định hướng rất rõ ràng, đó là: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…

Cùng với đó, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ…


Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW đã  trở thành một động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh đồng thời cho biết, một năm qua, Nghị quyết đã được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, xuyên suốt từ các Ban ngành trung ương đến địa phương... đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. 

Đặc biệt hơn, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) một lần nữa khẳng định và ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" với mục tiêu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp". Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt khoảng 50% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và khoảng 60 - 65% năm 2030.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4. Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Nhưng, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp…thời gian qua, việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Nhiều quy định pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm, môi trường đầu tư kinh doanh còn có hạn chế, tiềm ẩn rủi ro và thiếu tính minh bạch. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn còn khá phổ biến…”, ông Hoàng Quang Phòng thẳng thắn chỉ rõ.

Trong khi đó, xét về số lượng thì khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực khác. Song, rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo nghiên cứu khảo sát của VCCI, gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP.

“Các doanh nghiệp tư nhân đã ấm lòng, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình. Nhưng chúng ta cũng rất cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua đã có nhưng chưa đủ mức”, Phó Chủ tịch VCCI nói. Đồng thời khẳng định, con đường để đảm bảo "doanh nghiệp tư nhân không cô đơn" cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hoá dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh.

Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các doanh nghiệp cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định. Nguyên nhân bởi quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân nước ta.

Mặt khác, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, rào cản chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, rào cản môi trường kinh doanh, rồi sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực FDI…

“Chính vì vậy, tôi muốn nói rằng, kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa…”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh và cho biết còn nhiều khó khăn để rút ngắn khoảng cách với 3 nền kinh tế nhóm đầu trong ASEAN và đạt chuẩn mực OECD.

Đơn cử như chi phí hành chính hiện tăng gấp đôi so với thực tế, thủ tục hành chính được cải thiện nhưng vẫn nặng nề. Chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng nhanh, cao hơn mức tăng năng suất lao động đã kéo theo chi phí phụ trợ khác ... là gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặt khác, liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là "ốc đảo, chưa thể hoà hợp".

Cần “chính sách công nghiệp” thúc đẩy

Khẳng định "ngôi sao” hy vọng của kinh tế Việt Nam là khu vực tư nhân, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, không chỉ cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, Nhà nước cần đưa ra “chính sách công nghiệp” thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. “Các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới đều làm vậy, nhưng thực tế ở Việt Nam còn hạn chế”, ông Phòng nhấn mạnh.

Mặc dù bày tỏ vui mừng trước quan tâm của Đảng và Nhà nước tới việc ưu tiên phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên Phó Chủ tịch VCCI cho rằng cần tiếp tục các giải pháp hiệu quả để đồng hành cùng khu vực này phát triển.

Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.

Cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới và có những giải pháp đột phá trợ giúp doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất chú trọng thị trường trong nước cùng với định hướng xuất khẩu.

“Các Bộ, ngành, địa phương… cần tiếp tục việc rà xét và gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch VCCI, cần tư duy lại về hệ thống ưu đãi, khuyến khích thu hút FDI có chất lượng cao vào nước ta, nhằm trọng tâm cho công nghiệp chế tạo. Đề nghị các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia hợp tác với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa,…

Theo Phong Viên(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)