Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1602 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2018

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

          Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 2 năm 2018 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG QUÝ 2/2018

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp

- Trong tháng 4/2018, VCCI nhận được 30 văn bản của 14 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 1064/PTM-VP ngày 18/5/2018 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 4/2018).

- Tháng 5/2018, VCCI nhận được 27 văn bản của 10 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 1229/PTM-VP ngày 5/6/2018 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 5/2018).

- Tháng 6/2018, VCCI nhận được 33 văn bản của 10 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Tổng cộng trong quý 2/2018, VCCI nhận được 90 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35.

Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 6 /2018 cụ thể như sau:

1.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 12 công văn trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp với các nội dung đa phần về hướng dẫn pháp luật đấu thầu (10/12 văn bản) với các nội dung: hướng dẫn đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chứng thực các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi tham gia thầu; điều kiện đối với cá nhân tham gia tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát; quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quy định của pháp luật đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng; quy định về giá chào thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu; việc đấu thầu đối với hoạt động đào tạo của doanh nghiệp phi nhà nước; quy định của pháp luật về có bắt buộc đấu thầu đối với hoạt động giải pháp mặt bằng hay không; chủ trương, chính sách của nhà nước đối với việc đầu tư, xây dựng nhà máy điện đốt rác và hệ thống xử lý nước thải…

1.2. Bộ Tài chính

Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc ( Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) có 5 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: quy định của Luật Hải quan về kiểm tra sau thông quan, việc xác định mã số; quy định của pháp luật về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước; việc không thống nhất thông tin giữa Sở KHĐT và cơ quan thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp; quy định của pháp luật về hợp đồng trọn gói đối với gói thầu được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước; thanh toán chi phí hạng mục chung trong hợp đồng trọn gói…

1.3. Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ có 2 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cụ thể Cục sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định giữ nguyên hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế cho doanh nghiệp; việc điều chỉnh nội dung khoản 6, Điều 1 của Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN  quy định về xử lý kết quả kiểm tra trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp…

1.4. Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng có 4 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: quy định của Luật Xây dựng về nhà ở riêng lẻ và thủ tục đầu tư, xây dựng đối với hạng mục này; việc cấp giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; hợp đồng thi công các công trình phòng chống thiên tai; điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai…

1.5. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải có 3 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: bỏ hình thức vận tải trung chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố đinh; sửa Quy hoạch mạng lưới tuyến theo Quyết định 2288; sửa Thông tư số 92/2016/TT-BGTVT về lựa chọn khai thác tuyến bằng hình thức đăng ký của đơn vị vận tải và chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến; quy định của pháp luật về cấp phù hiệu xe tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp có dưới 5 xe…

1.6. Một số bộ, ngành, địa phương:

- Bộ Lao động – Thương binh  và Xã hội có công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về nội dung người lao động nghỉ ốm 45 ngày trong thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

- Bộ Công Thương có văn bản trả lời kiến nghị của công ty cổ phần dược mỹ phẩm CVI hướng dẫn việc thực hiện hoạt động phân phối bán lẻ tại thị trường Việt Nam các hàng hóa do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra tại Việt Nam và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền phân phối dược phẩm.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần học thuật thông minh về điều kiện để thực hiện hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tin học.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn trả lời 3 kiến nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về: chỉ tiêu photpho, nitơ và amoni đối với nước thải; bất cập trong việc áp dụng QCVN giữa nhà máy thủy sản ở tỏng và ngoài khu công nghiệp; áp dụng QCVN đối với nước thải từ ao nuôi cá tra ra ngoài môi trường.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công văn trả lời kiến nghị của Tổng công ty CPĐT phát triển Hải Sơn về việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu đối với gói thầu ĐM- xây lắp và thiết bị công trình đầu mối và gia cố thượng hạ lưu, thuộc hợp phần 1, Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi bắc Nghệ An do JICA tài trợ.

1.7. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 4/2018, VCCI nhận được 4 văn bản trả lời 5 kiến nghị, tháng 5/2018, VCCI đã nhận được 6 văn bản trả lời 6 kiến nghị, tháng 6/2018 VCCI nhận được 5 văn bản trả lời 6 kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này do VCCI tập hợp gửi các bộ, ngành từ tháng 1/2018 đến hết tháng 5/2018. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị.

Như vậy, hết ngày 30/6/2018, các kiến nghị VCCI đã gửi chưa nhận được văn bản trả lời 17 kiến nghị đã gửi từ tháng 1/2018 đến hết tháng 5/2018, cụ thể như sau:

- 1 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 1 số 0228/PTM-VP ngày 9/2/2018 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của UBND TP Đà Nẵng.

- 1 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 2 số 0477/PTM-VP ngày 19/3/2018 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Tài chính.

- 6 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo quý 1/2018 số 0707/PTM-VP ngày 12/4/2018 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội.

- 4 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 4/2018 số 1064/PTM-VP ngày 18/5/2018 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư; các UBND: tỉnh Phú Thọ, TP Hải Phòng

- 5 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 5/2018 số 1229/PTM-VP ngày 5/6/2018 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP Hải phòng và các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính.

  1. Các kiến nghị Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

Trong quý 2/2018, VCCI nhận được 145 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Qua theo dõi của VCCI, đến hết 30/6/2018, đã có 99 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời chiếm 68,3%. Còn 46 kiến nghị chưa được trả lời chiếm 31,7%. Các kiến nghị của tháng 4 và 5 đều đã quá hạn trả lời do Văn phòng Chính phủ quy định, nhiều kiến nghị doanh nghiệp đã gửi nhiều tháng trước đây nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa trả lời nên Văn phòng chính phủ phải có công văn nhắc nhở, đôn đốc việc trả lời. Chi tiết thống kê kiến nghị theo dõi tình hình trả lời hàng tháng ở Bảng tổng hợp dưới đây và các phụ lục 2,3 gửi kèm báo cáo:

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Tỷ lệ % giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Tỷ lệ % chưa giải quyết

Kiến nghị quá hạn giải quyết

Tỷ lệ quá hạn chưa giải quyết

4/2018

36

30

83,3%

6

16,9%

6

16,9%

5/2018

62

47

75,8%

15

24,2%

15

24,2%

6/2018

47

22

46,8%

25

53,2%

2

4,3%

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về một số cải cách của Chính phủ:

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan đặc biệt là Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ chi tiết cho từng bộ ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như: các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành; danh mục hành hóa kiểm tra chuyên ngành… Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành sẽ có bước chuyển biến lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trong quý 1/2018, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao một số động thái cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con của Chính phủ và một số bộ, ngành như:

- Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm loạt thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh năm 2018, và là lần thứ ba cơ quan này giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Theo Quyết định có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa, trong đó sẽ bỏ 12, đơn giản hóa 42 thủ tục với 10 lĩnh vực, như năng lượng, xuất nhập khẩu, quản lý cạnh tranh, an toàn thực phẩm...

- Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính đạt 49,70%.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo tới các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó yêu cầu Tổ công tác cải cách TTHC của ngành, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cần chủ động khắc phục những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản các TTHC (hiện nay còn 28 TTHC); đẩy mạnh ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử; tích cực huy động dịch vụ công và nâng cao chất lượng thực thi đạo đức công vụ.

- UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1406 về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Văn bản nêu rõ tập trung đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của từng đơn vị; Xây dựng hình ảnh cơ quan thân thiện, công chức Thủ đô thân thiện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ, hợp tác trong các chương trình cải cách, hiện đại hóa giải quyết TTHC, đặc biệt là lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hoàn thành đúng tiến độ các các dịch vụ công trực tuyến.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 2 năm 2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- Đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý 39 dự án, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản dưới luật, chính sách khác của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nổi bật như: Luật Cạnh tranh sửa đổi; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV; Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật; Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài; Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018 – 2030...và góp ý vào các đề án, tờ trình và dự thảo các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung của các bộ liên quan đến nghiệp và điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

- Chủ trì và phối hợp tổ chức 20 Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận, đề xuất và rà soát các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển góp phần tích cực vào quá trình cải thiện chất lượng của hệ thống thể chế và kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp” vào ngày 22/5/2018 tại Hà Nội, thu hút hơn 200 đại biểu tham dự. Hội thảo đã đưa ra những nhận định, đánh giá sâu sát về mặt thuận lợi, khó khăn doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các phát biểu tại hội thảo cũng khẳng định cơ hội và sức ép phải tiến hành rà soát và cải thiện thể chế pháp luật kinh doanh cho phù hợp với tiêu chuẩn cao của các hiệp định thương mại thế hệ mới.

+ Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.  Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp nhằm khơi thông vốn tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, bởi đây là động lực phát triển kinh tế tương lai. Hội thảo kiến nghị: cần tiếp tục nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; cần có một khung khuôn khổ pháp lý để có cơ chế phát triển việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp; thay đổi phương thức cho vay để các nhà nông nghiệp có thể thế chấp vay vốn bằng chính mảnh đất của mình để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh...

+ Phối hợp với các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài chính, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ tổ chức sơ kết hoạt động và công bố báo cáo khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết 19 của ngành thuế hải quan và báo cáo giám sát. Kết quả giám sát trực tiếp tại 12 cục thuế, hải quan cho thấy những hạn chế cần được thay đổi trong các thủ tục hành chính thuế, hải quan và các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực này. Báo cáo cũng tập trung nêu rõ cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, đảm bảo thực hiện kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp; đồng thời công khai minh bạch quy trình, quy chế nâng cao hiệu quả giám sát…

+ Tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp trong nền kinh tế số” và Lễ Công bố Báo cáo doanh nghiệp Việt Nam thương niên năm 2017/2018 của VCCI. Diễn đàn đã thu hút hơn 200 đại biểu từ các cơ quan, Bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước. Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam của VCCI năm nay, chất lượng doanh nghiệp năm 2017 đã có cải thiện. Khoảng cách phát triển giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Nhà nước đã được thu hẹp. Môi trường kinh doanh thực sự đã có những điều chỉnh góp phần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Báo cáo cũng đưa ra những đánh giá chuyên sâu về xu hướng phát triển của doanh nghiệp trong những lĩnh vực ứng dụng kinh tế số như: dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử...

- Tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn theo yêu cầu của các tỉnh nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh ở các tỉnh, thành và địa phương:

+ Tổ chức hội thảo chẩn đoán PCI tại tỉnh Bạc Liêu và Tây Ninh, hội thảo “Phân tích Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách”.

+ Phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cao Bằng. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo VCCI và hơn 90 doanh nghiệp địa phương.

+ Phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2017 và giải pháp cải thiện giai đoạn 2018-2020.

Tại các hội nghị này, các chuyên gia PCI của VCCI khuyến nghị chính quyền các tỉnh tập trung hoàn chỉnh thể chế về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao vai trò của các trung tâm hành chính công, công khai, minh bạch các dự án đấu thầu… Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: đề xuất một số biện pháp khắc phục các vấn đề còn hạn chế của các chỉ số thành phần PCI của tỉnh, xây dựng phần mềm quản lý nhiệm vụ để rà soát các nhiệm vụ UBND tỉnh; xây dựng và điều phối hoạt động Ban Tư vấn chính sách cấp tỉnh… 

- Tham gia Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại một số bộ, ngành, địa phương như: Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội, Thái Bình, Bắc Ninh...

Ngoài ra hệ thống cơ quan VCCI trên cả nước còn tổ chức nhiều sự kiện  như:

Tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2018 với chủ đề “Thị trường bất động sản – Tác động từ chính sách”;

Tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật hình sự” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh;

Phối hợp tổ chức Hội nghị “UBND tỉnh Khánh Hòa đối thoại với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2018” với sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh và hơn 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh;

Tổ chức Hội thảo “Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”;

Phối hợp với Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tăng cường mối quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp”; Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018. Hội nghị có sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực; Hội nghị Giao ban Hiệp hội Doanh nghiệp và Doanh nghiệp Miền Trung- Tây Nguyên tại Đà Nẵng; ...

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh thông qua: Hoạt động đào tạo tập huấn “Hướng dẫn tiêu chuẩn ISO 37001:2016 - Hệ thống Quản lý Chống hối lộ” tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đây là tiêu chuẩn quốc tế có thể áp dụng cho mọi tổ chức/doanh nghiệp có quy mô lớn hay nhỏ, trong khu vực công hay khu vực tư ở bất cứ quốc gia nào và có thể tích hợp vào hệ thống quản trị giúp hạn chế những nguy cơ, rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng và từng bước thiết lập văn hóa kinh doanh tuân thủ; Phối hợp với IBLF Global hoàn thiện báo cáo hoạt động và báo cáo gửi Đại sứ quán Anh tại Hà Nội kết thúc dự án “Hỗ trợ DNNVV phòng, ngừa tham nhũng tại Việt Nam”; Hoàn thiện báo cáo đánh giá “Thúc đẩy Hành động Liêm chính Doanh nghiệp tại VN: từ nhận thức tới hành động”; thiết kế, in ấn và gửi trình Chính phủ.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức Hội thảo “Xây dựng phương án của Tổ chức đại diện người sử dụng lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2019” tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút hơn 50 đại biểu, đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho giới sử dụng lao động. Thông qua hội thảo, VCCI tập hợp ý kiến của các đại diện giới sử dụng lao động về phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019, chuẩn bị nội dung các phương án, căn cứ thương lượng tại phiên họp thảo luận của Hội đồng Tiền lương quốc gia về vấn đề này.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

Phối hợp các hoạt động và tham gia của lãnh đạo VCCI vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư và thúc đẩy hội nhập quốc tế ở cấp quốc gia như:

- Tham dự kỳ họp 2 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC năm 2018 được tổ chức tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, từ 15-19/4/2018. Với tư cách Chủ tịch ABAC Việt Nam và đồng Chủ tịch ABAC, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đồng chủ trì toàn bộ kỳ họp, phiên họp của Hội đồng, các phiên thảo luận toàn thể; tham gia các nhóm chuyên đề, cuộc họp riêng các thành viên ASEAN và phiên họp những thành viên chủ chốt về tầm nhìn sau 2020. Ngoài ra, Chủ tịch và các thành viên ABAC còn có các hoạt động tích cực nhằm tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong năm APEC 2017 và trao đổi các biện pháp triển khai thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với đối tác chiến lược như tinh thần Đề án 25 được Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì.  Các tổ chức doanh nghiệp của Nhật Bản rất hoan nghênh các đề xuất hợp tác của Chủ tịch và sẽ có kế hoạch tổ chức các đoàn doanh nghiệp lớn vào Việt Nam.

- Chủ tịch VCCI tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước thăm cấp nhà nước Nhật Bản (29/5 – 02/6/2018). Theo phân công của Chủ tịch nước, Chủ tịch VCCI đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam và ký thoả thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) về việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp doanh nghiệp hai nước, xúc tiến thương mại đầu tư trong giai đoạn mới để thực hiện Nghị quyết 25 của Chính Phủ và Quyết định số 213/QĐ-Ttg ngày 12/2/2018 của Thủ tướng. Thông qua thoả thuận hợp tác này, VCCI sẽ triển khai mô hình Uỷ ban hỗn hợp doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, thành viên là các doanh nghiệp đang có quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Hoạt động của Uỷ ban sẽ tập trung các kiến nghị về chính sách để thuận lợi hoá hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, đặc biệt chú trọng xúc tiến hợp tác theo từng dự án cụ thể thuộc các lĩnh vực hai bên quan tâm. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI đã có buổi tiếp xúc với 4 tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản (JCCI, Keidanren, Keizai Doyukai, Keizai Boekikai), ký Thoả thuận hợp tác với Keidanren và làm việc với một số tập đoàn lớn như Itochu, Kawasaki Heavy Industry…

- Chủ tịch VCCI tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm Canada. Theo phân công của Thủ tướng, Chủ tịch VCCI đã tham dự các hoạt động của Đoàn chính thức và hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch VCCI đã tham dự Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Canada và  đối thoại với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Canada.

- Lãnh đạo VCCI thay mặt cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động Việt Nam tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế thường niên lần thứ 107 tại Geneva, Thuỵ Sỹ với chủ đề "Sáng kiến Phụ nữ tại nơi làm việc: Thúc đẩy sự bình đẳng". Tham dự hội nghị, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, gồm các mục tiêu: giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động...

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức trên 20 hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư trong và ngoài nước trong đó có nhiều hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo thành phố và một số Bộ ban ngành cùng hơn 800 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội nghị nhằm kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào TP Hà Nội và cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư định hướng đúng đắn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

+ Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư” với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện nhiều đại sứ quán, tổ chức quốc tế cùng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI đã đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp nhằm đưa Thái Nguyên trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.

+ Tổ chức Lễ Phát động “Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp VCCI triển khai Chương trình. Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững CSI tiếp tục được sử dụng làm thước đo đánh giá, đo lường mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp theo 3 nội dung chính gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là một công cụ quản trị doanh nghiệp hữu dụng, giúp doanh nghiệp khoanh vùng những lỗ hổng trong quản trị và hoạt động hiện hành nhằm giảm thiểu rủi ro, giúp xác định được những ưu điểm của doanh nghiệp và nắm bắt những cơ hội kinh doanh tiềm năng từ đó.

+Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2018 với chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung” tại Úc và khảo sát thị trường Niu-di-lân. Đoàn gồm 38 đại biểu là các nữ lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Trong chuyến đi, ngoài các chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, VCCI phối hợp với Phòng Doanh nghiệp New South Wales (NSW Business Chamber) tổ chức diễn đàn kết nối kinh doanh với gần 100 doanh nghiệp hai nước tham dự, trực tiếp trao đổi và tìm kiếm nhu cầu hợp tác cụ thể.

+Và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư khác như:

Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Séc nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Công thương Séc;

Hội thảo xúc tiến đầu tư Bang Assam, Ấn Độ tại Hà Nội, thu hút hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tham dự; Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội với sự tham dự của trên 60 doanh nghiệp hai nước;

Tổ chức kết nối kinh doanh (B2B meeting) cho doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Triển lãm quốc tế công nghệ môi trường và năng lượng (Entech Vietnam 2018) với sự tham gia của 120 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp môi trường;

Hội thảo kinh doanh với thị trường Belarus tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp;

Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu - giao thương và đầu tư vào thị trường Úc” tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 130 doanh nghiệp đến tìm hiểu thông tin về thị trường Úc;

Diễn đàn Giao lưu thương mại Việt Nam - Trung Đông 2018 tại TP.Hồ Chí Minh;

Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và Lễ phát động khởi nghiệp với chủ đề “Sóc Trăng - Cơ hội của bạn”;

Hội nghị “Kết nối cung cầu nông sản sạch và an toàn năm 2018” tại TP.Vinh, Nghệ An;

Tổ chức Hội thảo "Tăng cường đối thoại chính sách giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư - Tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam"....

- Triển khai các hoạt động đào tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật như:

+ Tổ chức được khoảng gần 150 khóa đào tạo trên phạm vi cả nước cho khoảng hơn 4000 lượt cán bộ doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

+ Tổ chức Chương trình gặp gỡ báo chí – doanh nghiệp năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018) nhằm tri ân các đối tác báo chí, truyền thông đã luôn đồng hành cùng VCCI trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đã tham dự sự kiện.

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 2/2018, VCCI tiếp tục tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để chuyển tải đến các bộ, ngành địa phương. Qua theo dõi, VCCI nhận thấy có một số vấn đề nổi bật doanh nghiệp kiến nghị trong quý 2 như sau:

- Phần lớn các doanh nghiệp kiến nghị và đề nghị trả lời về các vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư…vv Nhiều thắc mắc, kiến nghị dưới tư cách cá nhân. Chưa có nhiều các kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, các kiến nghị về các vấn đề chính sách, vấn đề lớn của các ngành, vùng và liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

- Nhìn chung, các thắc mắc, kiến nghị giải quyết của doanh nghiệp vẫn tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định trong đấu thầu; các vuớng mắc cụ thể về chính sách thuế, thực hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan, thủ tục hoàn thuế, thủ tục trong quá trình giao đất, giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, và thực hiện ưu đãi cho doanh nghiệp… Đặc biệt doanh nghiệp phản ánh giá thuê đất tăng nhanh, khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí lớn.

- Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường siết chặt việc kiểm soát tải trọng, tránh nguy cơ hỏng đường và đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc quy định tải trọng. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cấp đồng bộ các tuyến đường để đảm bảo kết nối tốt giữa đường bộ, đường sắt và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.

Trong tháng 6 năm 2018, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải; Tài nguyên và Môi trường;

- Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Tây Ninh, Đắk Lắk;

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).   

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của Bộ Giao thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 2/2018 của một số Bộ, ngành, địa phương (Tải về)